Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và “1 Luật sửa 8 Luật”

06:47 26/06/2025
Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật thuộc lĩnh vực tài chính, đấu thầu, đầu tư.
Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và “1 Luật sửa 8 Luật”
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Sáng 25/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật thuộc lĩnh vực tài chính, đấu thầu, đầu tư.

TP Hà Nội được hưởng 100% tiền sử dụng đất

Có 426/430 đại biểu có mặt tán thành (89,12%), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026.

Có 426/430 đại biểu có mặt tán thành (89,12%), Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật cho biết, một trong những điểm mới của Luật là thẩm quyền quyết định lập, điều chỉnh dự toán NSNN được phân cấp cho Chính phủ, thay vì Quốc hội như trước. Chính phủ lập dự toán điều chỉnh NSNN trong trường hợp có biến động làm tăng mức vay, bội chi so với dự toán đã phân bổ, trình Quốc hội quyết định. Dựa vào Nghị quyết của Quốc hội, UBND các cấp lập dự toán điều chỉnh NSĐP, trình HĐND cùng cấp quyết định.

Chính phủ cũng quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số Bộ, ngành và địa phương, mà không làm tăng tổng mức vay, bội chi ngân sách, cần báo cáo UBTVQH, Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Bổ sung quyền của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm sau. Dựa trên nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết thu và chi ngân sách cho từng Bộ, ngành; chi đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chi thường xuyên từng lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết phân bổ chi tiết với các khoản chưa phân bổ, sử dụng dự phòng NSTW.

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và địa phương sẽ tăng kiểm tra, giám sát và có chế tài xử nghiêm các vi phạm, tiêu cực, lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Về thể chế hóa chủ trương đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và sắp xếp bộ máy hành chính, dự án Luật đã chỉnh lý các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ KH&CN; quy định hiệu lực áp dụng quy trình tổng hợp lập dự toán, chấp hành NSNN và phân cấp ngân sách cấp tỉnh, cấp xã đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ ngày 1/7/2025.

Về phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, dự án Luật đã chỉnh lý nội dung về việc phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng TP Hà Nội được hưởng 100% khoản thu này theo quy định Luật Thủ đô; Các địa phương không nhận bổ sung NSĐP được hưởng 80%, NSTW hưởng 20%; các địa phương nhận bổ sung cân đối NSĐP được hưởng 85%, NSTW hưởng 15%.

Về thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu so với dự toán và dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, dự án Luật giao Chính phủ quản lý điều hành, báo cáo UBTVQH kết quả thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; giao UBND các cấp sử dụng nguồn tăng thu so với dự toán và dự toán chi còn lại của NSĐP…

Trao quyền, giảm ràng buộc và xử lý tận gốc các vướng mắc

Cùng thời điểm, với 432/434 đại biểu có mặt tán thành (90,38%), Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật: (1) Luật Đấu thầu; (2) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP); (3) Luật Hải quan; (4) Luật Thuế giá trị gia tăng; (5) Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (6) Luật Đầu tư; (7) Luật Đầu tư công; (8) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật cho biết, đây là bước đi lớn nhằm tháo gỡ các rào cản thể chế, tăng cường phân quyền và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho đầu tư phát triển.

Với 432/434 đại biểu có mặt tán thành (90,38%), Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật. Ảnh: quochoi.vn.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Chính phủ chỉnh lý lại quy định Luật Đấu thầu theo hướng: đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu không sử dụng vốn NSNN, doanh nghiệp nhà nước được quyền tự quyết định trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro và sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp.

Trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư (Nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (Nhóm 2) quyết định hoạt động mua sắm không sử dụng NSNN bảo đảm phù hợp, đồng bộ với thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức tài sản công của các đơn vị, đồng thời khuyến khích nâng cao mức độ tự chủ tài chính để chuyển lên Nhóm 1, Nhóm 2; bổ sung quy định về cơ chế thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở y tế là đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tương tự như đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Về quy định cho phép lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, dự án Luật quy định nguyên tắc trao quyền cho chủ đầu tư được ưu tiên áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu có quy trình, thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất; chủ đầu tư được lựa chọn các hình thức khác phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu; mở rộng các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đấu thầu hạn chế, đặt hàng... để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), dự án Luật đã quy định theo hướng: bổ sung quy định Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP theo tỷ lệ phần chênh lệch giữa doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế, nhằm xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn đối với các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ ký kết trước ngày 01/01/2021 có vướng mắc giảm doanh thu đã được cấp có thẩm quyền đồng ý. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết nhằm bảo đảm nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", làm cơ sở để Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng cơ chế chia sẻ này.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, dự án Luật quy định theo hướng: đưa quy định thuế giá trị gia tăng ra khỏi nội dung tại Điều 47a dự thảo Luật Hải quan và bổ sung nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng bổ sung “hàng hóa xuất khẩu tại chỗ” thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% nhằm bảo đảm không thu thuế trùng và không ảnh hưởng đến số thu NSNN.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, dự án Luật đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với 7 nhóm dự án đầu tư; bổ sung các quy định nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chỉnh lý một số quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dự án Luật quy định hướng: không quy định về nhiệm vụ chuẩn bị GPMB trong Luật. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan khác nhằm đẩy nhanh việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư công; quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm bằng nguồn vốn NSTW trong trường hợp không vượt tổng chi NSTW của cả nước đã được Quốc hội quyết định, đồng thời phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch hằng năm từ HĐND các cấp cho UBND các cấp để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)…

Bình luận