Cần rà soát quy hoạch, bổ sung quỹ đất xây nhà ở cho công nhân

21:05 03/01/2022
Mặc dù các Bộ, Ngành, địa phương có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, vấn đề giải quyết chỗ ở cho công nhân, NLĐ làm việc tại các KCN lại càng trở nên cấp thiết, nóng bỏng.

DN chưa mặn mà xây nhà ở công nhân

Theo nhiều nghiên cứu, tại các khu công nghiệp (KCN) việc đầu tư phát triển chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động (NLĐ) ngoại tỉnh làm việc tại các KCN.

Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở của người lao động NLĐ rất lớn. Tại các KCN chỉ có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ với điều kiện sống tạm bợ, khó khăn.

Sự thiếu hụt nhà ở cho công nhân, các dịch vụ cho NLĐ như: giáo dục, đào tạo, vui chơi giải trí, cho con em công nhân…dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa thu hút được lao động vào làm việc.

Hiện vẫn có tới 55% công nhân trong các KCN tập trung phải thuê nhà trọ.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ công nhân, NLĐ có nhà ở do doanh nghiệp (DN) và KCN xây dựng đã tăng 10,3% so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, do quy mô lớn, vốn đầu tư cao lại thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp, bởi vậy rất ít DN mặn mà đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Do đó, hiện vẫn có tới 55% công nhân trong các KCN tập trung phải thuê nhà trọ.

Bàn về vấn đề này, tại hội thảo "Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân" được tổ chức hôm 31/12/2021, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, hầu hết các KCN ở địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ” khi dịch Covid-19 bùng phát thời gian vừa qua.

Lý giải cho những tồn tại, bất cập trên KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân.

Ở một góc nhìn khác, ThS Phan Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn cho rằng, tại nhiều địa phương, công nhân lao động phải sống trong các phòng trọ chật chội. Thậm chí, có thôn làng ở gần KCN chỉ hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội.

“Gần 2 năm qua diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đã đặt doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn, đặc biệt là qua đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng NLĐ về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy NLĐ vẫn chưa an cư. Do vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận và đầu tư thích đáng hạ tầng xã hội cho NLĐ” - ThS Phan Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Về những khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân, ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho rằng, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư chung cư cho NLĐ còn khó khăn do các cơ chế chính sách trong việc đầu tư nhà ở xã hội của nhà nước chưa rõ ràng. Cùng với đó, lợi nhuận định mức thấp hơn các loại hình đầu tư khác, đồng thời thủ tục đầu tư phức tạp lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định khiến nhiều nhà đầu tư ngại làm.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế cùng các giải pháp

Đưa ra những giải pháp nhằm gỡ khó cho nhà ở công nhân, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có 63/64 địa phương đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở công nhân.

Theo ông Hà Quang Hưng, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở dành cho công nhân trong thời gian tới rất cần các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa Luật Nhà ở 2014; Sửa đổi pháp luật thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi; Bổ sung hình thức bán nhà cho DN hoặc cho DN trong KCN thuê để họ cho công nhân của mình thuê lại...

Cùng với đó, cần tạo các cơ chế ưu đãi dành cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN như: miễn tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN, được vay vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Bên cạnh đó, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong KCN, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của KCN. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân.

Đồng quan điểm trên, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, một trong những giải pháp hàng đầu thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân đó là cần rà soát quy hoạch đô thị chi tiết, gắn quy hoạch nhà ở cho NLĐ KCN với quy hoạch phát triển đô thị.

Đồng thời, cần rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân nhằm thúc đẩy các DN tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở cho công nhân với giá phù hợp. Bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, công trình tế, văn hóa, thể thao..., kết nối KCN với khu dân cư liền kề để cùng phát triển bền vững.

Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn cho công nhân lao động thuê trọ. Bên cạnh đó, nới lỏng quy định về tỷ lệ dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như hiện nay.

“Quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân.” - KTS Trần Ngọc Chính

 

Bình luận