Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhằm thể chế 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục đề xuất tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, bảo đảm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng (ĐTXD); (2) Sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn; (3) Điều chỉnh, bổ sung các quy định bảo đảm đồng bộ với các pháp luật mới ban hành.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Dự thảo nghị định tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế cho địa phương. Ví dụ đối với dự án đầu tư công, tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, Bộ chuyên ngành thẩm định dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án được đầu tư trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên.
Đến Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, phân cấp dự án nhóm B có công trình cấp 2 trở xuống cho địa phương.
Tại dự thảo Nghị định phân cấp toàn bộ cho cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện, trừ dự án nhóm A có công trình cấp 1 quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp để bảo đảm phù hợp với nguồn lực, năng lực của cơ quan chuyên môn địa phương.
Cắt giảm các trường hợp phải thẩm định hoặc thẩm định lại ở cơ quan chuyên môn về xây dựng. Tại dự thảo Nghị định, quy định nâng quy mô dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật từ 15 lên 20 tỷ đồng và các dự án bảo trì, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng có quy mô thuộc dự án nhóm C (ví dụ, dự án giao thông đến 120 tỷ đồng), theo đó các dự án không phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Đồng thời, quy định việc xác định quy mô để xác định thẩm quyền thẩm định đối dự án sửa chữa, cải tạo chỉ trong phạm vi công việc sửa chữa cải tạo thay vì theo quy mô dự án hiện hữu như quy định hiện hành; Quy định cụ thể những nội dung điều chỉnh dự án phải thẩm định ở cơ quan chuyên môn về xây dựng để hạn chế tối đa số lượng dự án phải thẩm định cơ quan chuyên môn xây dựng hoặc thẩm định tại các Bộ chuyên ngành.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định tăng cường quy định giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tách các thủ tục có thể thực hiện thông qua dịch vụ công do đơn vị sự nghiệp hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp có thể thực hiện ra khỏi thủ tục hành chính.
Ví dụ, việc sát hạch để kiểm tra kiến thức phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề sẽ được tách khỏi quy trình cấp Chứng chỉ hành nghề và được thực hiện toàn trình trên phần mềm sát hạch. Các lĩnh vực hành nghề không cần chuyên môn sâu sẽ được gộp thành một lĩnh vực hoặc cắt giảm để giảm số lượng Chứng chỉ hành nghề.
Tháo gỡ vướng mắc, sửa quy định không còn phù hợp
Dự thảo Nghị định làm rõ một số khái niệm, đối tượng quản lý làm cơ sở áp dụng đúng quy định pháp luật như: “Công trình ngầm”, “hạ tầng khung khu chức năng”...
Ví dụ, quy định thẩm định sự phù hợp quy mô, diện tích, ranh giới tầng hầm công trình tại thiết kế cơ sở với quy hoạch được duyệt là một nội dung vướng mắc rất lớn cho nhiều dự án trên phạm vi cả nước khi yêu cầu phải đánh giá nội dung này trong khi quy hoạch phân khu về nguyên tắc không quy định nội dung này. Việc quy định rõ tầng hầm của công trình chỉ là phần ngầm của các công trình chỉ thể hiện tại quy hoạch chi tiết và không quy định ở các đồ án quy hoạch cấp trên sẽ tháo gỡ triệt để vướng mắc và đẩy nhanh việc thực hiện số lượng rất lớn các dự án hiện nay.
Làm rõ các loại quy hoạch làm căn cứ lập dự án và cấp phép xây dựng, do các dự án được hình thành từ nhiều loại quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch, pháp luật chuyên ngành và có những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch.
Theo đó, ngoài quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch tổng mặt bằng là căn cứ lập dự án ĐTXD như pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị định bổ sung quy hoạch chung đô thị là căn cứ lập dự án ĐTXD hạ tầng kỹ thuật khung đô thị theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị; Quy hoạch chung khu chức năng là căn cứ lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung khu chức năng theo pháp luật về xây dựng.
Trường hợp dự án được ĐTXD tại khu vực đã ổn định về chức năng sử dụng đất, không yêu cầu lập quy hoạch đô thị theo pháp luật về quy hoạch đô thị, thì thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc là cơ sở lập dự án ĐTXD…
Về quy định lập dự án ĐTXD, Dự thảo Nghị định chủ đầu tư được điều chỉnh một số nội dung về bố cục, hình khối, thông số kỹ thuật công trình trong quy hoạch xây dựng khi bảo đảm các điều kiện về chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ giới xây dựng; bảo đảm quy định trong thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc (nếu có); phù hợp quy chuẩn về quy hoạch xây dựng; và được điều chỉnh một số chỉ tiêu, thông số trong văn bản về quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được duyệt khi các nội dung điều chỉnh này không thuộc trường hợp có yêu cầu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư để tránh cứng nhắc như quy định hiện hành, phát huy sáng tạo ở giai đoạn thiết kế dự án, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước.
Dự thảo Nghị định làm rõ hơn trình tự, thành phần hồ sơ, nội dung thực hiện thủ tục hành chính để tránh việc lúng túng trong quá trình thiện. Ví dụ, quy định rõ hơn nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi, thành phần hồ sơ thiết kế theo từng giai đoạn thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công) và nội dung tiêu chí thẩm định cụ thể của cơ quan chuyên môn xây dựng, của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư, làm thước đo khi đánh giá, thẩm định sự phù hợp.
Bổ sung quy định đối với dự án được phân chia dự án thành phần, chủ đầu tư phải có Báo cáo nghiên cứu khả thi ĐTXD cho toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và một số công trình xây dựng khác (nếu có); đồng thời, thuyết minh rõ quy mô, tiến độ thực hiện các dự án thành phần bảo đảm dự án được đầu tư, vận hành đồng bộ.
Bảo đảm đồng bộ với pháp luật mới ban hành
Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh các quy định nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mới ban hành, như: Luật Nhà ở 2023; Luật Đất đai 2024 và các pháp luật khác có liên quan.
Ví dụ, Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, đã bỏ nội dung góp ý giải pháp phòng cháy ở bước thiết kế cơ sở của cơ quan phòng cháy, quy định bổ sung yêu cầu tư vấn thẩm tra các nội dung về bảo đảm giải pháp PCCC làm cơ sở cơ quan chuyên môn xây dựng đánh giá bảo đảm đồng bộ với Luật Xây dựng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung quy định ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp công nghệ số như yêu cầu về áp dụng BIM, về công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh…