Tiến độ quá chậm
Thời gian gần đây, những thông tin về đầu tư công được nhắc đến nhiều hơn trên khắp các diễn đàn. Con số giải ngân 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 4% khiến nhiều người quan tâm lo lắng. Bởi năm 2023, TP.HCM được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 70.000 tỷ đồng, nhiều gấp gần 2 lần năm 2022. Trong khi đó, Thủ tướng đã chỉ đạo tỷ lệ giải ngân đầu công phải đạt trên 95%.
Năm 2022, suốt 3 tháng đầu năm, TP.HCM không công bố số liệu giải ngân. Đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân chỉ vỏn vẹn 17%, hết tháng 9 là 26,1%. Bằng nhiều nỗ lực, đến hết niên độ giải ngân đầu tư công của năm (ngày 31-1-2023), TPHCM đã giải ngân đạt 71,3%, nhưng vẫn vào nhóm giải ngân thấp nhất cả nước và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nhận trách nhiệm, tự hạ bậc xếp loại thi đua. Nhìn xa hơn, ở cả giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025, có thể thấy hàng loạt dự án đầu tư công chậm tiến độ. Thậm chí có dự án “vắt” qua 2-3 nhiệm kỳ vẫn chưa thể hoàn thành. Theo thống kê chưa đầy đủ về các dự án chậm tiến độ, huyện Cần Giờ có 315/367 dự án, quận Bình Tân có 48/65 dự án, quận 8 có 13/88 dự án, quận 6 có 17/73 dự án…
Tính đến hết quý 1/2023, TPHCM vẫn còn 25/61 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%; 5 đơn vị mới chỉ giải ngân được 1%, trong đó có “siêu chủ đầu tư” là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - được giao gần 20.000 tỷ đồng trong năm nay nhưng mới giải ngân chưa đến 200 tỷ đồng. Sốt ruột trước tình trạng đầu tư công chậm chạp, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, đầu tư công là một trong 3 động lực, tạo hiệu ứng số nhân của nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân quá thấp như vậy là đã bỏ qua công cụ đầu tư công để phát triển kinh tế.
Điểm nghẽn “giải phóng mặt bằng”
Thời gian qua, khó khăn lớn nhất trong triển khai các dự án đầu tư công vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Có những dự án do vướng mặt bằng nên kéo dài đến 20 năm. Có dự án như cầu Tăng Long (TP Thủ Đức), do chưa có mặt bằng nên phải tạm dừng thi công từ tháng 9/2019 đến nay. Người dân cho biết, hàng ngày vào giờ cao điểm sáng - chiều, đoạn đường này kẹt cứng, nếu chẳng may có tai nạn giao thông là kẹt xe kéo dài hàng giờ. Chưa kể khói bụi, tiếng ồn từ cây cầu tạm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Cách đó không xa là cầu Nam Lý, thi công dang dở nhiều năm cũng do vướng mặt bằng thi công. Mới đây, TP Thủ Đức đã quyết tâm giải phóng mặt bằng để tái khởi động dự án này, và dự kiến sẽ hoàn thành sau 14 tháng.
Tham gia nhiều đoàn giám sát về đầu tư công, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, giải phóng mặt bằng là yếu tố cơ bản, then chốt để triển khai được các dự án đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân. Qua các buổi giám sát, khảo sát, lãnh đạo HĐND TP.HCM luôn nhấn mạnh nguyên tắc của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là quyền lợi của người dân phải được đặt cao nhất. Trước hết, sự ứng xử với người dân phải trân trọng, bố trí cuộc sống mới cho người dân di dời chứ không chỉ là nơi ở. Do vậy, nơi bố trí tái định cư phải có hạ tầng đầy đủ, thuận tiện nhất để người dân có thể an tâm về cuộc sống ở nơi mới. Điều cốt lõi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn luôn là giá. Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, cần tính toán để đưa ra mức giá bồi thường tốt nhất cho người dân.
HĐND TP.HCM đang tổ chức các buổi giám sát về đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Qua các buổi giám sát, Thường trực HĐND TP.HCM đã đề nghị các địa phương rà soát các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, chủ động báo cáo đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trường hợp cần thiết, có thể đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án (nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án). Từ đó tránh tình trạng “ngâm” vốn, hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Cũng qua các buổi giám sát, một nguyên nhân không nhỏ khiến việc triển khai các dự án đầu tư công chậm trễ được nhìn nhận là do công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan còn nhiều bất cập. Cụ thể là việc lấy ý kiến, trao đổi văn bản qua lại mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Tình trạng này đã được nhắc nhiều lần trong buổi làm việc của Thủ tướng với TP.HCM vào ngày 16/4. TP.HCM luôn tự hào là “cái nôi” của truyền thống sáng tạo, bứt phá, “xé rào”, đi đầu cả nước. Nhưng đến nay lại có nhiều ý kiến nhận xét cán bộ e dè, ngại trách nhiệm, cầu an, nên dù việc trong thẩm quyền của mình vẫn phát hành văn bản hỏi khắp nơi. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công sẽ là liều thuốc thử đối với năng lực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ TP.HCM.
Nguồn: Báo SGGP