Khoảng trống pháp lý
Lịch sử đô thị nước ta hầu hết được hình thành từ các vùng đất nơi có các quần cư sinh sống bằng nghề nông và giao thương buôn bán chứ không phải từ các khu vực sản xuất công nghiệp, cảng biển như các đô thị châu Âu.
Chính vì thế, đô thị Việt Nam ngay khi hình thành đã chứa đựng trong đó rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc sắc.
Di sản đô thị bao gồm các yếu tố vật chất và phi vật chất gắn liền với lịch sử đô thị, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, thẩm mỹ và xã hội tạo nên bản sắc riêng của đô thị. Đó là những công trình, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa mà đô thị tích lũy qua quá trình phát triển.
Di sản đô thị có giá trị rất lớn, nó là “gen” tạo nên bản sắc đô thị, là hồn cốt, là nhân chứng sống động của lịch sử hình thành và phát triển đô thị, là điểm tựa để phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế đô thị.
Các thành phố chứa đựng nhiều di sản kiến trúc - văn hóa - lịch sử như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hội An, Đà Lạt, Hoa Lư… không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là tự hào của quốc gia, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương cũng như nâng tầm vị thế nước ta trên bản đồ du lịch thế giới.
Trải qua hàng thế kỷ tiếp biến và phát triển, đặc biệt là trong 40 năm đổi mới, hệ thống đô thị nước ta đã có nhiều thay đổi về cấu trúc và không gian, về số lượng và chất lượng.
Hiện nay, ngoài một số đô thị mới được hình thành bởi những quyết định hành chính, thì việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử của các di sản kiến trúc tại các đô thị đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra cho các nhà quy hoạch, các nhà quản lý và quản trị đô thị.
Vài năm gần đây, câu chuyện di sản đô thị và đô thị di sản được các cấp, các ngành có liên quan rất quan tâm. Tại hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (6/2014 - 6/2024), các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều thể hiện quyết tâm chính trị lớn lao đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị di sản thiên niên kỷ của Việt Nam như mục tiêu Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng tại hội thảo, câu chuyện về di sản đô thị và đô thị di sản được các nhà khoa học hàng đầu trong giới lịch sử - văn hóa - khảo cổ và kiến trúc bàn thảo nghiêm túc và sôi nổi.
Thế nhưng, có một thực tế ở nước ta, khái niệm “Đô thị di sản” chưa hề được đề cập tới ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào từ Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009) đến Luật Quy hoạch đô thị 2009; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Và ngay cả các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13; Nghị quyết 26/2022/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội về nội dung phân loại đô thị cũng chưa có tiêu chí phân loại đô thị theo hướng giá trị lịch sử, văn hóa mà đô thị sở hữu.
Vì thế, đã đến lúc các nhà làm chính sách và văn bản pháp luật cần quan tâm để đưa ra các cơ sở khoa học xác định đô thị nào là đô thị di sản trong hệ thống hơn 900 đô thị các loại của nước ta hiện nay.
Xây dựng đô thị di sản bắt đầu từ di sản đô thị
Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài liên miên vài chục năm, rất nhiều thành phố, thị xã của nước ta bị bom đạn tàn phá, hàng ngàn di sản đô thị bị hủy hoại, hư hỏng nặng nề.
Lại thêm nữa, sau khi đất nước thống nhất, chúng ta bước vào thời kỳ phục hồi, xây dựng đất nước cực kỳ khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế bao cấp, lại bị cấm vận từ nhiều phía và nhiều lý do nội tại nên các di sản kiến trúc - văn hóa - lịch sử trong đô thị chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng di sản bị trưng dụng, sử dụng không đúng mục đích, để hoang phí, xuống cấp, hư hỏng nặng nề, thậm chí nhiều di sản kiến trúc có giá trị bị phá dỡ, làm biến mất, như các biệt thự Pháp ở Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM… là ví dụ điển hình.
Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã làm thay đổi tư duy về xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, văn minh và bản sắc, trong đó di sản đô thị được quan tâm.
Hội nghị lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế đất nước, trong đó có di sản văn hóa, di sản đô thị, di sản thiên nhiên.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ “kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh “nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, tại những địa bàn vùng đồi núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ”.
Bảo tồn các di sản đô thị (hay đô thị lịch sử) cần hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét trong bối cảnh, nhận thức rộng lớn, bao hàm cả địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường xây dựng trong lịch sử và hiện tại, kết cấu hạ tầng trên và dưới mặt đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và cách tổ chức không gian, các mối tương quan về thị giác cũng như các yếu tố khác của cấu trúc không gian đô thị di sản.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong đó có 3 di sản thiên nhiên là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Vịnh Hạ Long; Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. 5 di sản văn hóa là Quần thể di tích Cố đô Huế; Phố cổ Hội An; Thánh địa Mỹ Sơn; Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; Thành Nhà Hồ. 1 di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa - thiên nhiên hỗn hợp duy nhất của Việt Nam (trong số 38 di sản hỗn hợp được UNESCO vinh danh trên toàn thế giới).
Ngoài các khu đô thị cổ được UNESCO tôn vinh là di sản thế giới, thì ở Việt Nam có rất nhiều đô thị chứa đựng một quỹ di sản, di tích văn hóa vô cùng lớn, chứa đựng các yếu tố di sản độc đáo và đặc thù. Như Hà Nội, có lịch sử 1.000 năm văn hiến, với khu phố cổ, khu phố cũ cùng hàng ngàn di sản, di tích văn hóa và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ như núi Tam Đảo, sông Hồng đỏ nặng phù sa, Hồ Gươm, Hồ Tây với bao huyền thoại về vùng đất Thăng Long lịch sử.
Như Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có hình hài của một đô thị di sản vùng cao nguyên, với các yếu tố đặc trưng về khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên với đồng cỏ, núi, rừng thông, thác, hồ thơ mộng tuyệt đẹp và quỹ kiến trúc với hàng ngàn biệt thự vườn mang phong cách kiến trúc độc đáo, đa dạng.
Hay đô thị Sa Pa (Lào Cai) với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, mù sương, địa hình đồi núi độc đáo, con người hài hòa, thân thiện, văn hóa bản địa đặc sắc… Và theo tôi, nếu có quy hoạch tốt và có các tiêu chí xác định rõ ràng, cụ thể thì chúng ta có thể lập được bản đồ đô thị di sản cho hệ thống hơn 900 đô thị ở nước ta.
Tuy còn nhiều vấn đề phải được làm rõ dưới góc nhìn khoa học về khái niệm “Đô thị di sản”, mà trên thế giới, hiện cũng còn chưa thống nhất. Ngay cả UNESCO cũng sử dụng thuật ngữ “Đô thị lịch sử”. Theo đó, đô thị lịch sử bao gồm các di tích, cấu trúc không gian đô thị cùng các khía cạnh phi vật thể liên quan tới tính đa dạng và bản sắc; các giá trị văn hóa - xã hội của đô thị (xưa - nay).
Nhưng với chúng ta, có thể coi khái niệm về đô thị di sản do GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đề xuất tại một hội thảo ở Huế năm 2011 là cơ sở khoa học để tham chiếu: “Đô thị di sản là một chỉnh thế lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thi, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất cả”.
Như vậy, theo khái niệm này thì đô thị di sản khác với đô thị có di sản bởi nó nhấn mạnh đến tính chỉnh thể của đô thị. Trong số 5 đô thị cổ của Việt Nam được tôn vinh là di sản văn hóa thế giới thì chỉ có đô thị cổ Hội An là chỉnh thể đô thị duy nhất được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cùng cộng đồng dân cư đang sở hữu, sử dụng hàng ngày.
Hội An là đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Nơi đây từng là một thương cảng quốc tế sầm uất trong suốt thế kỷ 17 và 18. Do có sự giao thoa về văn hóa, nên Hội An có một kho tàng kiến trúc giàu có với nhiều loại hình kiến trúc Hoa, Nhật, Việt… khác nhau như chùa Cầu, đền, miếu, nhà ở… Hơn 1.400 di tích kiến trúc của Hội An được bảo vệ, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh.
Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị duy nhất ở Việt Nam. Và Hội An cũng là đô thị cổ phát triển nhất về quảng bá và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Điểm qua vài nét như vậy để thấy, việc bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang các di sản đô thị trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế sẽ quyết định đến cấu trúc, cũng như định danh đô thị di sản. Nếu một khi các di sản đô thị bị tổn thương, lụi tàn thì khái niệm về một đô thị di sản ở Việt Nam chỉ tồn tại ở thời xa vắng(!).
Thay lời kết
Chúng ta đang bước vào năm mới 2025, năm bản lề để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với bao hoài bão lớn lao.
Xây dựng đô thị Việt Nam, trong đó có đô thị di sản, theo hướng bền vững là một thách thức, đòi hỏi một tầm nhìn mới, tư duy mới, một khả năng quản trị mới để đô thị xứng đáng là tấm gương trung thực phản ánh thời đại.
Đô thị phải là mái nhà chung tin cậy, bền vững của cộng đồng dân cư trước mọi thách thức của biến đổi khí hậu, áp lực của quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.
Phát triển đô thị bền vững, là phát huy các nguồn lực nội sinh từ cảnh quan thiên nhiên, đất đai cho đến các giá trị của kiến trúc - văn hóa - lịch sử vào phát triển kinh tế, mà ở đó con người là trung tâm thụ hưởng và cũng là đối tượng trực tiếp tham gia bảo vệ giữ gìn các di sản đô thị cũ và mới trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn hóa, văn minh của kỷ nguyên sáng tạo, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.