Theo đó, mục đích của kế hoạch, tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam nói chung và tại tỉnh Yên Bái nói riêng hiện tại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hoá trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Cụ thể, đối với kiến trúc khu vực đô thị nông thôn, phát triển kiến trúc đảm bảo giữ được bản sắc, hài hoà với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật. Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Đối với kiến trúc khu vực nông thôn, khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu địa phương.

Theo UBND tỉnh Yên Bái, phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hoá kết cấu hạ tầng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt tại địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu trên nền tảng bảo tồn các di sản kiến trúc cùng các giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự kết nối hài hoà giữa các di sản với tổng thể kiến trúc của một khu vực trong đô thị, nông thôn cần được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc.
Cùng đó, tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ cập nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng của định hướng và mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam hiện tại, bền vững, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Theo kế hoạch, nội dung các nhiệm vụ sẽ tập trung quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc và bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị; Bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc. Hoàn thành việc đánh giá và triển khai xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị, có giải pháp hợp lưu trữ, trưng bày các giá trị, bản sắc kiến trúc Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống lý luận phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc dân tộc, tính bản địa trong kiến trúc, đẩy mạnh phản biện xã hội thông qua phê bình kiến trúc.
Để tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Xây dựng tổ chức thực hiện Kế hoạch, là đầu mối tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có các giải pháp kịp thời; Chủ trì tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định phân cấp về công tác lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh khi cần thiết để tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh.
Được biết, UBND tỉnh Yên Bái cũng giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan khác, UBND các huyện, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.
Định kỳ đánh giá hằng năm, sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm tình hình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc, định hướng phát triển kiến trúc, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng). Nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.