Hôm qua, 17/02, là hạn chót các địa phương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai.
Trước đó, ngày 8/02/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình và yêu cầu 15 bộ ngành, 30 địa phương chưa gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng quan trọng của quốc gia, kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm cá nhân tiến độ thực hiện các dự án.
Không khó để nhận biết công trình, dự án chậm tiến độ, bị đội vốn tại nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng dự án "treo", dự án “đắp chiếu" diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, gây rất nhiều hệ lụy, thiệt hại khó có thể đo đếm.
Tại TP.HCM, có 5 nhóm dự án trọng điểm của thành phố bị chậm tiến độ kéo dài. Trong đó có 115 dự án sử dụng vốn ngân sách, 67 dự án vướng giải phóng mặt bằng, 8 dự án vướng thủ tục đầu tư.
Tại Bình Dương, dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng) được khởi công từ năm 2014, đến nay sau hơn 10 năm triển khai vẫn dang dở.
Tại nhiều tỉnh, thành phố, còn vô số các công trình có vốn đầu tư công chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa thể xác định thời hạn hoàn thành. Đơn cử như dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh (vốn đầu tư 800 tỷ đồng) khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành phần thô. Tại Hà Nội, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng đầu tư 16.290 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, đến nay nhiều đoạn vẫn đang thi công.
Vốn đầu tư là nguồn lực quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, không ít dự án đầu tư công không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, dẫn đến nguồn lực quan trọng này bị lãng phí, gây nhiều hệ lụy, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Những công trình nghìn tỷ chậm tiến độ, những cánh rừng tiếp tục bị tàn phá, những dòng sông bị khai thác cạn kiệt… vẫn cứ hiển hiện, là thông tin liên tiếp gây “sốc” với nhiều người dân.
Thực ra, những vấn đề kể trên vốn đã dai dẳng trong đời sống từ khá lâu. Đã có thật nhiều bài học, nhiều sự trả giá cho lòng tham và thiếu trách nhiệm đối với những người được giao trọng trách trong từng lĩnh vực. Vậy nhưng, mọi việc không mấy xoay chuyển tích cực. Bao nhiêu tầng nấc thẩm tra, thẩm định, kiểm tra, kiểm soát đâu rồi mà vẫn để xảy ra tình trạng lãng phí, những vụ việc đau lòng, tài sản của quốc gia bị xuống cấp, hủy hoại.
Chúng ta đã nói, đã chỉ ra rất nhiều “địa chỉ” lãng phí trong sử dụng tài sản công, nguồn vốn đầu tư của quốc gia không được thực hiện hiệu quả… Rất nhiều cuộc họp, rất nhiều cấp, nhiều ngành đã “vào cuộc”, đã tổ chức những đợt phát động này nọ rầm rộ… Và tất nhiên, những câu chữ “đẹp” nhất, “có vẻ” nghiêm minh nhất cũng đã được sử dụng. Vậy nhưng, kết quả vẫn chỉ là những công trình phơi sương, bị bỏ hoang nhìn đến đau lòng.
Một câu hỏi đặt ra là, phải chăng tính thượng tôn pháp luật đã và đang vấp phải một lực cản “vô hình” nào đó?
Chẳng có một nước nào trở nên giàu có trong điều kiện xã hội thường xuyên rối ren, hỗn loạn và mất an toàn, nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội bị lãng phí.
Con người ta luôn mong muốn có được nhiều nhất những gì tốt nhất cho mình và luôn có thiên hướng hành động nhằm đạt mục tiêu đó. Trong điều kiện phải coi luật pháp là giới hạn đối với sự tự do trong việc tìm kiếm lợi ích, người ta tự nhiên có ý nghĩ tìm cách làm cho luật được đặt ra theo hướng có lợi cho mình.
Nhưng, nếu luật pháp mà ưu tiên bảo vệ lợi ích của một vài nhóm thiểu số giàu có, trái ngược với nguyện vọng của số đông, thì chắc chắn sẽ không được số đông tuân thủ với ý thức tự nguyện. Thái độ không tự giác phục tùng đối với luật pháp của người dân thường còn có điều kiện thuận lợi để phát triển ở ngoài xã hội, nếu hiện tượng áp dụng pháp luật không nghiêm chỉnh có dấu hiệu tràn lan trong các cơ quan công quyền; đến lúc nào đó, thậm chí nó có thể tự “nâng cấp” thành thái độ quay lưng.
Và một khi luật pháp bị gạt sang một bên, thì một cách tự nhiên, bản năng ứng xử sơ cấp sẽ trỗi dậy để điều khiển hành vi của con người. Kiểu như, một người (một doanh nghiệp) xả rác (xả thải) bừa bãi mà chẳng bị sao, thì những người bên cạnh sẽ theo đó mà làm, chẳng việc gì phải giữ gìn.
Một công trình nghìn tỷ để cỏ mọc đầy, một cánh rừng bị chặt hạ, chẳng cấp chính quyền nào chịu trách nhiệm, khi đó, sẽ có thêm những công trình nghìn tỷ khác cùng đắp chiếu, những cánh rừng tiếp theo sẽ khó có cơ hội tồn tại… Những kiểu ứng xử như thế, hiển nhiên sẽ làm cho xã hội, thay vì tiến lên, lại đi thụt lùi.