Quy hoạch vùng sình lầy 128ha tại TP Thủ Đức thành khu lâm viên sinh thái

20:00 06/08/2024
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 8 khu chức năng, 7 khu sẽ phát triển thành khu đô thị, phần còn lại (vùng sình lầy rộng 128ha) được quy hoạch thành khu lâm viên sinh thái.

Theo Quyết định số 117/QĐ-BHTĐT về kế hoạch phát triển công viên cây xanh của BQLDA đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, dự án công viên này có tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 - 2030.

Đây là khu lâm viên nằm bên bờ sông Sài Gòn, là khu vực ngập nước tự nhiên, tiếp nhận lượng nước từ phía thượng nguồn và từ phía biển vào nên đã hình thành một vùng sình lầy tự nhiên. Do vậy, chức năng chính của khu vực này là bảo vệ môi trường và thoát nước, giữ gìn hệ sinh thái rừng ngập nước tự nhiên ngay tại trung tâm Thành phố.

KĐT mới Thủ Thiêm được bao quanh bởi sông nước.

Hiện khu vực này đã được xây một tuyến đường dài 2,5km với thiết kế cầu cạn, cùng hệ sinh thái cây xanh đa dạng; khu vực quy hoạch cây xanh sẽ được trồng các loại cây bản địa, có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường. Ngoài ra, khu vực này cũng sẽ được xây dựng một khu rừng nhân tạo, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã.

Với diện tích 128ha, đây sẽ là công viên rộng thứ 3 Thành phố (sau Công viên Sài Gòn Safari rộng 485ha, Công viên Quận 12 rộng 150ha), rộng gấp 7,5 lần Thảo Cầm Viên.

Diện tích công viên tại TP.HCM nằm trong quy hoạch lên đến 11.400ha nhưng hiện chỉ có hơn 500ha, đạt mật độ 0,55m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là 15m2/người, cũng như tiêu chuẩn quy hoạch đô thị của Bộ Xây dựng tối thiểu phải đạt từ 4-7m2/người. Không chỉ riêng TP.HCM mà 3 thành phố lớn khác, mật độ cây xanh/người cũng khá thấp, như Hà Nội đạt 2,06m2/người, Đà Nẵng đạt 2,4m2/người và Hải Phòng đạt 3,4m2/người.

Không chỉ diện tích đạt tỷ lệ thấp mà chất lượng công viên tại TP.HCM cũng khiến các nhà chuyên môn lo ngại. Đại đa số các công viên tại TP.HCM hiện chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả; phần nhiều trong số đó bị bỏ hoang, lấn chiếm (ngoại trừ những công viên như Công viên Gia Định). Thậm chí, quận đông dân nhất Thành phố (cũng là quận đông dân nhất cả nước) với khoảng 800 ngàn người như Bình Tân lại không có công viên lớn nào, và đang phải dùng “ké” Công viên Phú Lâm của Quận 6.

Công viên Gia Định được đánh giá là công viên đẹp nhất TP.HCM.

Để tăng nhanh diện tích công viên phục vụ người dân, Sở Xây dựng TP.HCM đang đôn đốc chủ đầu tư các dự án KĐT sớm đầu tư, bàn giao hạng mục công viên cây xanh cho Thành phố như: Khu dân cư Vinhomes 36ha, khu dân cư Vạn Phúc 21ha, khu dân cư Sala Đại Quang Minh 7,3ha, khu dân cư Celadon 16 ha, KĐT mới Phú Mỹ Hưng 7,2ha… Đây là nhóm các dự án nhà ở thương mại nằm trong kế hoạch phát triển nhóm công viên cây xanh sử dụng vốn ngoài ngân sách (khoảng 88ha).

Ngoài ra, TP.HCM còn có nhóm dự án công viên cây xanh thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách đến năm 2025, gồm 9 dự án cần được đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 1 dự án (Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên) quy mô 36ha đang triển khai thực hiện, nhiều khả năng sẽ được hoàn thành trong năm 2025. 8 dự án còn lại khoảng 33ha đến nay chưa được phê duyệt dự án do phải lập tổng mặt bằng và điều chỉnh quy hoạch.

Sở Xây dựng TP.HCM ước tính, chỉ tiêu đất công viên giai đoạn này muốn đạt được 1m2/người thì phải phát triển thêm khoảng 450ha cây xanh. Vì thế, Sở Xây dựng đề xuất ưu tiên đầu tư 6 công viên có quy mô lớn, công viên có nguồn gốc là đất công hoặc phần lớn là đất công. Trong đó, khu lâm viên sinh thái Thủ Đức 128ha là 1 trong 6 dự án được đề xuất ưu tiên thực hiện.

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD quy định cây xanh đô thị có 03 nhóm chính bao gồm: cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh đường phố và cây xanh chuyên dụng.

Do vậy, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị không bao gồm diện tích cây xanh đường phố.

Tiêu chuẩn đất cây xanh đường phố được xác định theo loại đô thị và tuân thủ theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012.

Bình luận