Tầm quan trọng trong định hướng chính sách và quy hoạch kiến trúc phát triển nhà ở công nhân KCN

Việc hoàn thiện các chính sách phát triển đồng bộ và ứng dụng các mô hình quy hoạch - kiến trúc, công nghiệp hóa sản xuất thi công xây dựng nhà ở công nhân KCN hiệu quả là cần thiết và cấp bách.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam với số lượng công nhân - chuyên gia - người lao động tại đây có nhu cầu rất lớn về nhà ở, việc hoàn thiện các chính sách phát triển đồng bộ và ứng dụng các mô hình quy hoạch - kiến trúc, công nghiệp hóa sản xuất thi công xây dựng nhà ở công nhân KCN hiệu quả là cần thiết và cấp bách. Bài viết này sẽ đề cập một số định hướng chung về xây dựng khung chính sách, quy hoạch - kiến trúc, đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp hóa sản xuất nhà ở công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, hướng đến đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng tiện nghi sống công nhân KCN, thúc đẩy sản xuất, cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

I. Những chính sách đồng bộ trong quy hoạch phát triển nhà ở công nhân

Sau gần 30 năm đổi mới, số liệu thống kê quốc gia ghi nhận có hơn 335 KCN trên toàn quốc (ở cả 3 dạng thức là KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao). Thống kê của Savil Việt Nam năm 2019 cũng cho thấy Việt Nam có hơn 3,7 triệu lao động trong các KCN và xu hướng vẫn tăng dần đều theo các năm từ 2019 cho đến nay.

Các KCN lớn trên toàn quốc như tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng… đã tạo ra dòng dịch chuyển dân cư từ khu vực nông thôn đến các KCN, làm phát sinh một lượng lớn nhu cầu về hạ tầng dịch vụ phục vụ sinh hoạt trong đó nhu cầu nhà ở công nhân là một nhân tố rất quan trọng nhưng rất thiếu.

H1. Quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc với đồng bộ 75 ha nhà ở cho thuê dành cho công nhân, chuyên gia, người lao động (các lô đất ký hiệu màu vàng).

Đã có rất nhiều các chính sách phát triển nhà ở công nhân được ban hành như Chiến lược phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được Chính phủ ban hành, Quyết định số 655/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hạ tầng thương mại phục vụ công nhân KCN; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP cho phép thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội KCN cũng như đẩy mạnh các yếu tố văn hóa - xã hội cho không gian sinh hoạt KCN.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có 214 dự án nhà ở cho công nhân, trong đó, đã hoàn thành 116 dự án, đang triển khai 98 dự án. Riêng đối với nhà ở cho công nhân KCN, mới đủ bố trí cho hơn 330 nghìn người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Một số KCN như Khu ông nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), KCN Sóng Thần (Bình Dương), KCN Quang Trung (TP.HCM), đã được quy hoạch bao gồm hệ thống nhà ở công nhân/ chuyên gia/ người lao động đồng bộ.

Dù rất đáng ghi nhận nhưng số lượng nhà ở công nhân hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 39% công nhân KCN, 61% công nhân và người lao động KCN còn lại hiện đang phải tự túc sử dụng các dạng nhà trọ, nhà ở thuê tự phát, rất kém tiện nghi sinh hoạt, cũng như tiềm ẩn rất nhiều bất ổn mất an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và tệ nạn xã hội.

Một số nguyên nhân then chốt được chỉ ra với hiện trạng thiếu nhà ở công nhân KCN như hiện nay chính là từ hệ thống các chính sách đầu tư và quy hoạch KCN.

Trong nhiều năm, quy hoạch KCN, đặc biệt là các KCN có quy mô vừa và nhỏ chỉ chú trọng quy hoạch khu vực nhà xưởng sản xuất, để tận dụng lực lượng nhân công giá rẻ tại chỗ, cũng như sử dụng hệ thống hạ tầng xã hội của địa phương, chưa chú ý đến luồng dịch chuyển nhân khẩu để có các dự báo đúng về nhu cầu nhà ở cho công nhân. Nghị định số 66/2009/NĐ-CP quy định nhà đầu tư KCN phải đảm bảo tối thiểu 55% nhu cầu nhà ở KCN, tuy nhiên, số lượng các KCN trên cả nước, đặc biệt là các KCN có quy mô vừa và lớn, quy hoạch đồng bộ hệ thống nhà ở và hạ tầng xã hội cho công nhân chưa nhiều. Việc triển khai đầu tư xây dựng cũng có nhiều vướng mắc cả về vốn, cơ chế hỗ trợ/ giám sát, phân phố nhà ở, quản lý vận hành, dẫn đến số lượng nhà ở được đưa vào sử dụng theo quy hoạch còn chưa nhiều.

Công tác quy hoạch khu nhà ở công nhân KCN còn nhiều bất cập. Đặc điểm người lao động KCN còn mang tính thời vụ, lúc tăng - lúc giảm thất thường, dẫn đến công tác dự báo nhu cầu phục vụ quy hoạch còn thiếu chính xác. Việc quy hoạch còn chủ yếu theo mô hình phân tán manh mún, thiếu đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu nhà ở công nhân KCN. Chưa áp dụng các mô hình mới có tính thích ứng năng động cao.

H2. Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới và khu vực cho thấy, trong thời gian tới, để có thể phát triển đồng bộ các KCN, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở công nhân KCN, đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân bao gồm: chính sách về tài chính, chính sách phân phối, chính sách quản lý vận hành.

Chính sách tài chính: Bên cạnh việc áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuế, phí cho các nhà đầu tư, xây dựng gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ để phát triển nhà ở công nhân KCN, để nhà đầu tư KCN được vay vốn và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân KCN của mình. Các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho phát triển nhà ở công nhân KCN sẽ hướng đến cho nhà đầu tư vay vốn và có thể trả chậm theo các năm tiếp theo. Cần tính toán để các hộ gia đình là công nhân trong KCN cũng có thể được vay vốn ưu đãi để thuê/ thuê mua căn hộ/ nhà ở trong KCN.

H3. Quy hoạch khu nhà ở công nhân KCN công nghệ cao Thành Đô (Trung Quốc) theo mô hình tập trung Industrial City với ngôn ngữ kiến trúc xanh và sinh thái bền vững.

Chính sách phân phối: Tương tự như mô hình nhà ở xã hội, xây dựng trần giá cho thuê/ bán căn hộ theo từng địa phương trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Có thể học tập các mô hình từ một số quốc gia công nghiệp phát triển để thiết lập các cơ chế phân phối tới đúng đối tượng là công nhân, chuyên gia, người lao động KCN được thuê/ thuê mua… cũng như tạo lập thị trường chuyển nhượng quyền thuê/ thuê mua, sở hữu căn hộ, tương tự như phân khúc nhà ở xã hội.

Đồng thời, cần nghiên cứu cho phép các hình thức phân phối đa dạng như mua trả góp, chuyển nhượng căn hộ nhà ở công nhân KCN với các chủ đầu tư, giữa các cá nhân được mua sở hữu nhà để đảm bảo sử dụng linh hoạt quỹ nhà ở cũng như vốn đầu tư. Điều này cũng cho phép tạo ra nguồn lực xã hội hóa để thúc đẩy phân khúc nhà ở công nhân KCN tự hình thành và phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách.

Chính sách về quản lý vận hành: Bên cạnh một số hình thức quản lý tập trung do BQL KCN chịu trách nhiệm chiếm số lượng chủ yếu hiện nay, cần nghiên cứu cho phép các cơ chế quản lý linh hoạt theo đơn nguyên, theo xí nghiệp, theo nhóm dân cư… tương tự như mô hình tổ dân phố độc lập của khu dân cư thông thường. Mô hình này cho phép đáp ứng được các đặc thù riêng về thời gian ca/ kíp và tính chuyên môn riêng trong sản xuất của từng nhóm công nhân, phân xưởng/ xí nghiệp.)(H1)

II. Tính nhân văn trong tổ chức quy hoạch - kiến trúc nhà ở công nhân khu công nghiệp

Hiện trạng cho thấy một số khu nhà ở công nhân KCN sau  khi hoàn thành, công nhân không muốn vào ở mà chuyển ra sinh sống tại các khu nhà trọ bên ngoài. Nguyên nhân có thể là do thiết kế quy hoạch/ kiến trúc KCN còn mang tính rập khuôn máy móc, mang nặng ý niệm về chỗ ở thuê thời vụ, và đặc biệt là rất thiếu các yếu tố nhân văn trong thiết kế tổ chức không gian.(H2,3)

H4. Phối cảnh thiết kế và hình ảnh lễ khởi công Dự án nhà ở xã hội công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP.HCM) ngày 30/10/2021.

Nhiều dự án khu nhà ở công nhân KCN được quy hoạch tổ chức thiếu các hạ tầng xã hội cơ bản (nhà trẻ, siêu thị, trạm y tế, công viên cây xanh…), vị trí xây dựng chủ yếu nằm trực tiếp/ biệt lập trong nội bộ KCN, thiếu sự hòa nhập với tổng thể cảnh quan cộng đồng dân cư tại chỗ, cũng như đặc biệt thiếu hẳn sự kết nối thuận tiện về giao thông công cộng. Bên cạnh đó, một số KCN mới như KCN Samsung (Yên Phong, Bắc Ninh) đã bước đầu quy hoạch được hệ thống nhà ở, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội… nhưng mới chỉ mới là các điển hình nhỏ, chưa được nhân rộng.

Mô hình Thành phố công nghiệp - Industrial City đã rất thành công ở nhiều quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới có thể là kinh nghiệm tốt cho quy hoạch khu nhà ở công nhân KCN tại Việt Nam, trong đó chuyển đổi từ giải pháp quy hoạch phân tán nhỏ lẻ thành các khu nhà ở công nhân KCN tập trung quy mô lớn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc, truyền hình cáp…), hạ tầng xã hội đồng bộ, trên hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo đúng/ chính xác số lượng nhân khẩu cần có của KCN, cụm công nghiệp.

Khác với các khu nhà ở công nhân nằm ngay trong KCN có diện tích môi trường sống bó hẹp và chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh quy hoạch khu nhà ở công nhân KCN tập trung cũng cho phép bố trí độc lập tương đối với các KCN, đảm bảm tiện nghi và môi trường sống. Vị trí có bán kính hợp lý cùng với các hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là giao thông công cộng như xe buýt nhanh, buýt thường dành riêng cho công nhân KCN… chuyên dụng cho công nhân 24/24 cho phép công nhân có thể di chuyển nhanh chóng từ nơi ở đến nơi làm việc thuận tiện với thời gian tối đa 20 phút, theo đúng các loại hình ca/ kíp sản xuất.

Số lượng nhân khẩu của khu nhà ở công nhân KCN phải được tính toán như là một phần cơ hữu trong tổng thể dân số địa phương khu nhà ở công nhân KCN trở thành một đơn vị hành chính cơ hữu của địa phương. Do hiện tại số người lao động sinh sống và làm việc trong các KCN có tính chất cơ cấu nhân khẩu rất đa dạng (lao động cơ bản, chuyên gia trình độ cao, quản lý các cấp, người lao động cố định hoặc thời vụ, độc thân, đã kết hôn, ở cùng cha mẹ và con cái…) nên quy hoạch tổ chức khu nhà ở công nhân KCN cũng cần được thay đổi hướng đến những cơ cấu nhà ở đa dạng, tiến tới đồng bộ như một khu đô thị hoàn chỉnh, phù hợp với nhu cầu sống sinh hoạt của tất cả các đối tượng sử dụng, nhưng đảm bảo tốt các yêu cầu về an ninh theo đặc thù sản xuất.

H5. Kiến trúc nhà ở cho thuê công nhân KCN Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên tuy được quy hoạch tương đối đồng bộ, các tòa nhà có kiến trúc màu sắc tươi vui.

Quy hoạch tổng thể các khu nhà ở công nhân KCN tập trung cũng tổ chức đồng bộ hệ thống công viên, sân thể thao, cây xanh cảnh quan, hướng đến các giá trị sinh thái, bền vững, thân thiện môi trường, cũng như tăng cường các hoạt động giao lưu, giải trí, sinh hoạt cộng đồng… Các khu nhà ở công nhân KCN vừa đảm bảo tính riêng biệt cho từng khối nhà/ nhóm nhà, có đặc thù riêng về nhóm nhân khẩu lao động sản xuất theo xí nghiệp, phân xưởng…; đồng thời vẫn nằm trong tổng thể có sự tương tác giữa các nhóm công nhân khác nhau, với cộng đồng cư dân địa phương tại chỗ.

Đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã thúc đẩy các KCN đều đã thử nghiệm mô hình “3 tại chỗ” - sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ hay “1 cung đường - 2 điểm đến” để đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, thực hiện thí điểm đã cho thấy đây đều là những lựa chọn khó khăn và không dễ thực hiện bởi những trở ngại về công tác tổ chức và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, diễn biến của dịch bệnh là khó lường trước được các thay đổi trong tương lại. Một mô hình quy hoạch khu khu nhà ở công nhân KCN tập trung vừa có tính hoà nhập với cộng đồng nhưng có thể được khép kín/cách ly nhanh chóng khi có dịch bệnh với các tuyến giao thông công cộng như xe buýt nhanh, xe buýt thường khép kín cho riêng khu nhà ở công nhân KCN cũng là giải pháp rất tốt đảm bảo sản xuất và sinh hoạt an toàn cho người lao động và cộng đồng.

Về kiến trúc công trình nhà ở công nhân KCN, ngoài việc sớm loại bỏ mô hình nhà ở “ký túc xá/ trại lính” phổ biến hiện nay, thiết kế kiến trúc phải đề cao các yếu tố văn hóa
- nhân văn. Bên cạnh một tỷ lệ nhất định kiểu nhà ở công nhân KCN ký túc xá cho thuê thông thường, từng bước tiến tới thiết kế các khu nhà ở công nhân có kiến trúc căn hộ/ nhà ở khép kín, tiểu chuẩn từ thấp đến tiện nghi rất cao dành cho nhiều đối tượng công nhân/ chuyên gia/ người lao động, đặc biệt những gia đình công nhân nhiều thế hệ, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội, cũng như giữ chân người lao động gắn bó với xí nghiệp, nhà máy sản xuất, hạn chế tính dịch chuyển thời vụ của lực lượng công nhân lao động như hiện nay.

Thay cho kiểu kiến trúc đơn điệu, có công năng sử dụng tối thiểu, kiến trúc công trình nhà ở công nhân KCN cần hướng đến các ngôn ngữ kiến trúc tươi vui, kiến trúc mở, kiến trúc xanh và sinh thái bền vững để hạn chế các tác động tiềm ẩn về tâm sinh lý, mất an toàn an ninh trật tự - tệ nạn xã hội. Dự án nhà ở xã hội công nhân tại đường Võ Chí Công (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa được khánh thành tháng 10/2021 vừa qua là một dấu hiệu tốt cho việc một số chủ đầu tư đã bước đầu quan tâm đến nhu cầu thực tế của công nhân KCN theo mô hình kiến trúc căn hộ kiểu mới loại này.(H4,5)

III. Tính hiệu quả trong xây dựng - phát triển nhà ở công nhân KCN theo mô hình công nghiệp hóa sản xuất nhả ở 

Một trong những yêu cầu của phát triển công nghiệp nói chung và các KCN nói riêng là tính hiệu quả về thời gian và kinh tế. Do vậy, việc lựa chọn các phương án thiết kế tối ưu về kinh tế và đảm bảo được tính hiệu quả thời gian cũng như đáp ứng được các nhu cầu của người ở về công năng, thẩm mỹ trong kiến trúc nhà ở là hoàn toàn cần thiết cho các chủ đầu tư. Để giảm giá thành và thời gian đầu tư thi công xây dựng, việc áp dụng mô hình công nghiệp hóa sản xuất nhà ở cho đầu tư xây dựng nhà ở công nhân KCN cần sớm được áp dụng và đẩy mạnh triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.

6. Thiết kế dự án My Micro NY, thi công theo phương pháp sản xuất mô đun công nghiệp hóa tiền chế - lắp ghép cung cấp các căn hộ tiện nghi, với giá thành rẻ, thời gian anh tại TP New York (Hoa Kỳ).

Các mô hình nhà ở công nhân được sản xuất sẵn ở nhà máy - Prefabircated construction và sản xuất nhà ở quy mô lớn - Mass housing, đã được phát triển thành công tại nhiều quốc gia phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia… là một kinh nghiệm tốt cho công tác đầu tư xây dựng, đáp ứng nhanh và có hiệu quả cho nhu cầu nhà ở công nhân KCN cấp thiết trên khắp cả nước.

Khác với thi công tại chỗ có nhiều khiếm khuyết (về thời gian, kinh phí, lãng phí nguyên vật liệu, khó đảm bảo chất lượng), đầu tư xây dựng nhà ở công nhân KCN có nhiều ưu thế với các ưu thế chế tạo thi công hàng loạt các cấu kiện xây dựng quy mô từ nhỏ đến lớn, trình độ cơ giới hoá cao quá trình thi công và vận chuyển kết hợp với tự động hoá, công xưởng hoá sản xuất vật liệu, phương pháp thi công tiên tiến trong mọi khâu (sản xuất, bảo dưỡng, kiểm tra chất lượng, lắp đặt), tiêu chuẩn hoá/ thống nhất hoá/ định hình hoá các giải pháp xây dựng, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và kinh phí đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân KCN với kiến trúc hiện đại, công năng đồng bộ, đạt chuẩn về tiện nghi và an toàn sử dụng, an toàn phòng cháy chữa cháy.

Định hướng chung, bên cạnh sớm nghiên cứu ban hành cơ chế và quy trình hướng dẫn nội dung áp dụng tiêu chuẩn hoá/ thống nhất hoá/ định hình hoá các giải pháp xây dựng, tiến tới áp dụng đại trà cho phân khúc nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân KCN nói riêng, cần sớm xây dựng cơ chế khởi động các dự án xây dựng khu nhà ở công nhân KCN theo mô hình công nghiệp hóa, từ đó rút kinh nghiệm, chuẩn hóa để tiến tới bắt buộc áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở các dữ liệu nghiên cứu rà soát về đặc thù nhân khẩu học và nhu cầu sử dụng tại từng khu vực cụ thể, cần sớm đẩy thực hiện các nội dung nghiên cứu thiết kế điển hình về nhà ở công nhân KCN theo nhiều cấp độ quy mô và loại hình nhà ở (khối nhà riêng lẻ, nhóm/ cụm/ khu), đảm bảo các yêu cầu công năng - tiện nghi sử dụng đồng bộ, an toàn phòng cháy chữa cháy… Ban hành phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Xây dựng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất theo phương áp thi công công nghiệp hóa hàng loạt, sản xuất tiền chế theo từng giai đoạn và nhu cầu thời điểm cụ thể.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các nền tảng công nghệ mới, có nhiều ưu thế về chất lượng - giá cả, cũng như phù hợp với các điều kiện đặc thù ở Việt Nam, để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm tiền chế cũng không chỉ dừng ở mức độ cấu kiện thô, mà tiến tới sản các mô-đun căn hộ được hoàn thiện cơ bản (bao gồm cả hệ thống kỹ thuật đã được cơ bản hoàn thiện tiền chế tại nhà máy).(H6)

IV. Kết luận

Phát triển nhà ở công nhân KCN là một định hướng có nhiều ý nghĩa đóng góp tích cực cho sự phát triển chung kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, các vấn đề hiện trạng nội tại đang cho thấy rõ việc phát triển nhà ở công nhân KCN cần được giải quyết theo góc độ đa ngành và đồng bộ từ nhiều chính sách vĩ mô, điều tra dự báo xã hội học, cho đến công tác thiết kế quy hoạch kiến trúc.

Việc điều chỉnh các mô hình phát triển nhà ở công nhân KCN phân tán, cứng nhắc trước đây sang một mô hình quy hoạch phát triển tập trung - giàu tính nhân văn sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển nhà ở công nhân trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững các KCN Việt Nam, đảm bảo chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội với đông đảo công nhân - người lao động KCN và đặc biệt có cả năng thích ứng cao với các điều kiện bất ổn của đại dịch Covid-19, cũng như sự dịch chuyển nhanh chóng của nguồn lao động, từ dạng thức lao động phổ thông sang lao động tri thức, có năng suất và hiệu quả lao động rất cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình công nghiệp hóa sản xuất trong đầu tư thi công xây dựng nhà ở công nhân KCN sẽ là giải pháp hữu hiệu góp phần mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm tối đa chi phí/ thời gian/ nguyên vật liệu, đảm bảo đáp ứng nhanh chóng và đồng bộ nhu cầu nhà ở công nhân KCN đang rất lớn hiện nay về công năng - tiện nghi sử dụng, an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như hướng đến các giá trị kiến trúc xanh bền vững, thân thiện môi trường.

Tháng 10/2021, Bộ Xây dựng đã gửi kiến nghị đề xuất gói hỗ trợ 65 nghìn tỷ đồng kèm cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân. Nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, gói tín dụng 65 nghìn tỷ
đồng sẽ hỗ trợ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở công nhân KCN, trong đó, bao gồm 15 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và 50 nghìn tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các KCN được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân KCN thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở. Đây có thể được xem là một đề xuất giải pháp đồng bộ lớn nhất từ trước đến nay nhằm tháo gỡ các nút thắt trong phát triển hệ thống nhà ở xã hội trong thời gian tới.

 

Tài liệu tham khảo
1.    Báo cáo hội thảo của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, tháng 11/2021.
Trần Nam, (2021), Sớm gỡ nÚt thắt trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, https://baodauthau. vn/som-go-nut-that-trong-phat-trien-nha-o-xa-hoi-cho-cong-nhan-post115739.html
2.    Ta Quynh Hoa, Pham Dinh Tuyen (2020). Social Housing for Workers in Industrial Zones in Vietnam - Concepts and Practical Solutions towards Sustainable Development. The Case Studies of Hanoi City
2.    Ahuri (2006). Housing Affordability in Australia - Research and Policies ISSUE 68 February 2006 ISSN 1445-3428, last accessed 2020/9/23.
3.    Alain, B. (2014). Housing Affordability: Top-Down Design and Spontaneous Order, last accessed 2020/9/23.

 

Bình luận