Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị

17:29 16/11/2022
Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, chiều 16/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”.

Đây là một trong 3 Hội thảo chuyên đề về phát triển đô thị bền vững do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TW và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, đại diện Hội cấp thoát nước, Hội chiếu sáng Việt Nam, chuyên gia JICA, đại diện doanh nghiệp...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tham dự Hội thảo chuyên đề 2.

Với chính sách đổi mới, hội nhập cùng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước trong những năm qua, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị từng bước được cải thiện.

Tính đến hết tháng 10/2022, hệ thống đô thị toàn quốc có 888 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước hiện ước đạt khoảng 41%.

Xuyên suốt quá trình phát triển hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng, đặc biệt hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ sở nền tảng để bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Thực tế ở nước ta, khu vực đô thị đã và đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm cũng là nơi tập trung nhiều đô thị lớn, chỉ tính riêng TP Hà Nội và TP.HCM hằng năm đã đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách cả nước.

Xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trong bối cảnh đô thị hóa là yếu tố quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng đô thị cũng như tăng trưởng vùng, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 2.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong những năm qua, hệ thống đô thị của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô.

Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị” được tổ chức là cơ hội để phân tích, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị làm cơ sở tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Qua đó, thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) khẳng định, thời gian qua, ngành Xây dựng đã tập trung quan tâm đến công quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật theo đúng quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được chú ý, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển, tạo cơ sở cho quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2.

“Nội dung quy định trong các văn bản cơ bản đã được làm rõ và thống nhất, giúp điều chỉnh các mối quan hệ trong quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị” - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong các đồ án quy hoạch đô thị, nội dung hạ tầng kỹ thuật cũng đã từng bước được chú ý và đến nay việc thực hiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Đặc biệt, công tác đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được các cấp từ Trung ương đến chính quyền đô thị quan tâm.

Đến nay, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được cải thiện đáng kể góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư đô thị.

Trong đó, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị dao động trong khoảng từ 10% đến trên 20%, trong đó tỷ lệ đất dành cho bến bãi đỗ xe hầu hết đạt dưới 1%.

Cả nước có trên 750 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất cấp nước theo thiết kế đạt khoảng 11,6 triệu m3/ngđ (tăng 5,4 triệu m3/ngđ so với năm 2010); Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 92% (tăng 16% so với năm 2010)…

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị hiện đạt khoảng 91%. Đến nay, cả nước có khoảng 50 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng gần 9.500 tấn/ngày được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động.

Về hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải hiện đáp ứng bình quân khoảng 64% nhu cầu thoát nước của các đô thị…

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”. 

“Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Cụ thể đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, sớm xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị; Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030; Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số; xây dựng đồng bộ về hạ tầng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường tại đô thị” - bà Mai Thị Liên Hương cho biết.

Trong khuôn khổ của Hội thảo đã ghi nhận nhiều tham luận, ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đối với việc phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị.

Các ý kiến trao đổi, góp ý tập trung vào đi sâu phân tích về thực trạng của công tác quản lý hạ tầng giao thông đô thị; kinh nghiệm chính sách thoát nước và đề xuất các giải pháp; nâng cao năng lực chống chịu của đô thị dưới các tác động của biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải cùng các khuyến nghị; phát triển hệ thống cây xanh công cộng tại các đô thị lớn ở Việt Nam; chiếu sáng đường phố thông minh; kinh nghiệm phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai…

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương đánh giá cao các tham luận cũng như các ý kiến thảo luận, trình bày tại Hội thảo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng, TP Hà Nội, TP Hải Phòng và từ các tổ chức quốc tế (GIZ, MLIT, SECO), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị như công ty cấp nước Bình Dương, Tập đoàn VNPT, Công ty Điện Quang.

Các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo gợi mở, tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian qua. Từ đó, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu sửa đổi ban hành các cơ chế, chính sách mới và tạo động lực để phát triển đô thị góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước.

Bình luận