Đánh thức tiềm năng Tây Nguyên bảo đảm phát triển bền vững

19:00 21/11/2022
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư với tổng kinh phí hơn 28 nghìn tỷ đồng cho 04 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng giai đoạn 2021-2025, được kỳ vọng đánh thức tiềm năng vùng Tây Nguyên.

Phát triển kinh tế để ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng

Sáng 20/11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Phát triển xanh - hài hòa - bền vững”.

Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững”.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhưng phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính: Kết cấu hạ tầng bất cập, nguồn lực thiếu, kết nối vùng chưa tốt, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu chuyện xảy ra cách đây 20 năm đặt ra vấn đề ổn định tình hình chính trị - xã hội trên cơ sở đó phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết chuyển trạng thái phát triển kinh tế - xã hội để ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng Tây Nguyên. Làm tốt kinh tế - xã hội sẽ góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại.

Vùng Tây Nguyên cần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, tạo đột phá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo lấy con người là chủ thể, có cách tiếp cận đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các chính sách hướng về người dân, bảo đảm người dân tham gia xây dựng chính sách.

Phát triển đột phá mang tính bao trùm, toàn diện, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Thành lập Hội đồng điều phối Vùng

Cũng tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao Chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển Vùng. Trong đó có đề xuất sớm thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên nhằm bảo đảm điều phối hiệu quả các hoạt động mang tính liên vùng.

Quan tâm, hỗ trợ nguồn lực sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là các tuyến cao tốc; Thu hút đầu tư từ doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến vùng Tây Nguyên nghiên cứu, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.

Kontum đang kêu gọi đầu tư, phát triển các dự án trồng dược liệu. Ảnh: DN.

Trong đó, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang khẳng định, tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Vùng chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn bố trí để triển khai 04 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương... với tổng kinh phí hơn 28 nghìn tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh...

Hiện, Bộ NN&PTNT đang rà soát, bổ sung và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam, chính sách chi trả dịch vụ hấp thụ carbon rừng...

Ông Andrew Jefffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, ADB đã cam kết hỗ trợ 08 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026 nhằm sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên phát triển năng lực kết nối vùng.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany khẳng định, cam kết sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các quy định về kinh tế xanh tại Tây Nguyên theo Nghị quyết số 23-NQ/TW. Theo đó, từ ngày 28-30/11, EuroCham và 09 hiệp hội doanh nghiệp thành viên sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) năm 2022 tại TP.HCM. Sự kiện sẽ thu hút 150 nhà đầu tư lớn của châu Âu đến Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị diễn ra Lễ trao thoả thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ KH&ĐT và các đối tác phát triển, trao Giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ của các địa phương trong vùng Tây Nguyên.

Từ khóa vùng tây nguyên
Bình luận