Vai trò của hạ tầng xanh, cấp nước xanh đối với phát triển bền vững đô thị

15:09 15/12/2023
Hiện việc cấp nước xanh đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp tính đến, nhưng chưa có một kế hoạch tổng thể, bài bản. Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý về cấp, thoát nước, các chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm có định hướng, tầm nhìn và kế hoạch cụ thể về cấp nước xanh.

Ngày 15/12, Toạ đàm chủ đề “Hạ tầng xanh, cấp nước xanh hướng đến phát triển bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng phối hợp với Công ty Cổ phần Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 60 chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp thoát nước…

Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Công ty CP Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu đề dẫn.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Công ty CP Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào, tuy nhiên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng cùng tốc độ đô thị hóa, ngành nước đứng trước nhiều thách thức phải tháo gỡ, trong đó đặt ra yêu cầu phải sớm có các giải pháp xanh đối với ngành nước.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Thanh Hải, hiện chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về hạ tầng xanh, mặc dù thuật ngữ “xanh” đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như tại Nghị quyết 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra yêu cầu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh.

Do đó, “Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ hơn sự cần thiết của cấp nước xanh, hạ tầng xanh trong phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua các ý tưởng cụ thể về 3 chủ đề: Một là chính sách, thể chế phát triển cấp nước xanh, an toàn và bề vững; hai là các giải pháp công nghệ cấp nước xanh, an toàn và bền vững; ba là quản lý vận hành hệ thống cấp nước xanh, đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội, môi trường”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Tham luận gửi đến Hội thảo với chủ đề “Cấp nước xanh - Quan điểm và định hướng phát triển”, ông Nguyễn Minh Đức, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng làm rõ vai trò của quản lý nhà nước, thực tiễn triển khai lĩnh vực này thời gian qua, từ đó nêu bật những vấn đề, yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn tới.

Bài tham luận cho thấy, toàn quốc có khoảng 43/63 địa phương phê duyệt kế hoạch và lộ trình thực hiện cấp nước an toàn giai đoạn 2017-2025; các đơn vị cấp nước đã lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt khoảng 48% hệ thống cấp nước đô thị; đã xây dựng được khoảng 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, 10 triệu công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đã đặt mục tiêu, xây dựng quan điểm về phát triển cấp nước bền vững, cấp nước thông minh, theo các hướng: Quản lý rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; Sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước; Giảm phát thải carbon.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trình bày tham luận.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày tham luận “Một số giải pháp cấp nước xanh an toàn và bền vững”. Tham luận nêu một số nội dung về nguyên tắc quản lý nước, năng lượng và vật chất trong nền kinh tế xanh; giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống cấp, thoát nước; các giải pháp cấp nước thay thế…

GS.TS Nguyễn Việt Anh cho rằng, cấp nước xanh nghĩa là dịch vụ cấp nước sạch, đủ, an toàn, thân thiện và bền vững. Nước, nước thải, bùn cặn cũng cần được coi là tài nguyên và được quản lý tổng hợp theo chuỗi giá trị, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, quy hoạch nguồn cấp nước an toàn, bền vững cần được ưu tiên; sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm là thành phần quan trọng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu.

TS Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, phát biểu tại Hội nghị.

TS Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, trong các mục tiêu phát triển bền vững, nước sạch là 1 trong 17 mục tiêu, đảm bảo các quyền phát triển đầy đủ con người do Liên hợp quốc nêu ra.

“Trong chương trình phát triển đô thị tăng trưởng xanh của Việt Nam, từ năm 2018, Cục Phát triển đô thị đã có thông tư hướng dẫn các tiêu chí xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, trong 24 chỉ tiêu thì có 4 chỉ tiêu liên quan đến nước: đó là tỉ lệ thất thoát nước sạch, tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý, tỉ lệ dân số được cung cấp nước sạch, diện tích mặt nước tự nhiên bị suy giảm, từ đó thấy rõ vai trò cuả nước sạch với đời sống”, TS Trần Ngọc Linh nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu cấp nước xanh, TS Trần Ngọc Linh nêu quan điểm, chúng ta cần hiểu rõ cấp nước xanh là gì, định nghĩa, khái niệm, tiêu chuẩn, tiêu chí… Cấp nước xanh cần đảm bảo 3 tiêu chuẩn: Tiết kiệm năng lượng, giảm thất thoát nước sạch trong đô thị và tái sử dụng nước sạch… Cùng với đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình của cấp nước xanh...

Ông Trần Văn Dương - Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tham luận tại Tọa đàm.

Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung cấp nước, ông Trần Văn Dương - Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng nêu quan điểm, hiện các doanh nghiệp cấp nước tại Việt Nam đang hướng đến việc cấp nước xanh, nhưng việc thực hiện chưa có một kế hoạch tổng thể, bài bản, còn rời rạc; chủ yếu thực hiện giảm tiêu hao năng lượng, chống thất thoát, xử lý bùn, xử lý môi trường, tái sử dụng, nâng cao chất lượng nước…

Ông Trần Văn Dương mong muốn các cơ quan quản lý có một định hướng, tầm nhìn và kế hoạch cụ thể về cấp nước xanh. Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý về cấp nước, “trước tiên phải xuất phát từ công tác quy hoạch, ít nhất là từ cấp tỉnh: bắt đầu từ nguồn nước sạch, các vị trí lấy nước, rồi đến các quy hoạch chuyên ngành; thứ hai là các giải pháp về công nghệ, thân thiện môi trường, ít sử dụng hoá chất độc hại; thứ ba là các giải pháp về quản lý, từ chuyển đổi số, tự động hoá, các chương trình chống thất thu, thất thoát nước cũng như các giải pháp về truyền thông…”, ông Trần Văn Dương nhấn mạnh.

Ông Ngô Minh Huy, đến từ Công ty CP Cơ điện tử Minh Khang, nêu những thác thức trong ngành kinh doanh nước sạch hiện nay, từ đó đề xuất những giải pháp cấp nước xanh, an toàn, bền vững, trong đó nhấn mạnh một số giải pháp điều khiển giám sát toàn diện, áp dụng số hóa cho ngành nước…

Bà Pavithra - Công ty TNHH Giải pháp không gian Việt tham luận chủ đề “Chuyển đổi mô hình quản lý nước lũ: Cách tiếp cận dựa trên sự tham gia của cộng đồng”. Giải pháp này nhằm đảo ngược mô hình giảm thiểu nước mưa và cải thiện việc quản lý dòng nước tràn trong đô thị, dựa trên ý tưởng “Vườn bọt biển cộng đồng”. Giải pháp này được xem là có nhiều lợi ích về môi trường, giúp giảm dòng chảy nước mưa và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu; cũng như tăng cường đa dạng sinh học và huy động được sự tham gia của các thành viên cộng đồng, qua thực tiễn triển khai tại một số địa phương của Việt Nam.

PTS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, kết luận Tọa đàm.

Kết luận Tọa đàm, PTS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng nhấn mạnh, muốn có đô thị xanh thì các thành phần trong đô thị phải xanh như giao thông xanh, cấp nước xanh, chiếu sáng xanh... PTS.TS Lưu Đức Hải lưu ý một số vấn đề trong trọng được thảo luận tại Tọa đàm, đó là an toàn, cấp nước xanh và cấp nước thông minh…, trong đó an toàn nghĩa là bảo vệ và chủ động nguồn nước quốc gia…   

Qua các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, PTS.TS Lưu Đức Hải mong muốn các kết quả thu được sẽ góp phần hình thành cơ sở pháp lý trong tương lai, từ đây có những chương trình hành động cụ thể được đưa vào các bộ luật chuyên ngành.

Bình luận