Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì phiên họp.
Cùng tham dự phiên họp còn có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng, các địa phương và các Bộ, ngành liên quan.
Tại phiên họp, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS Bùi Xuân Dũng đã báo cáo tóm tắt về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Theo đó, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 234 Điều. Trong đó, một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới có liên quan đến các nội dung như: Sở hữu nhà ở; chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở; chính sách nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; chính sách chung về quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư và quản lý Nhà nước về nhà ở tại Việt Nam…
Đáng chú ý, tại Chương 2 quy định về sở hữu nhà ở, dự thảo bổ sung mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư; xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu; xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu.
Trong đó, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã đề xuất hai phương án. Cụ thể, phương án 1: Bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án 2: Thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai…
Tại Chương 6 quy định chính sách về nhà ở xã hội: Bổ sung quy định mới về đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội; bổ sung 2 mục mới về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân; nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Tại Chương 7 quy định về tài chính cho phát triển nhà ở, dự thảo bổ sung mới một số quy định như nguồn vốn của Nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở…
Tại Chương 9 quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, có kế thừa, sắp xếp, bổ sung làm rõ thêm theo hướng luật hoá nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) gồm 11 Chương, 99 Điều. Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại BĐS đưa vào kinh doanh tại Điều 5 Luật Kinh doanh BĐS hiện hành bao gồm:
Nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai; Công trình xây dựng có sẵn và công trình xây dựng hình thành trong tương lai (công trình dân dụng theo pháp luật về xây dựng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú); Nhà ở, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh; Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất. Đối với quyền sử dụng đất trong dự án BĐS đưa vào kinh doanh thì phải là quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cũng quy định chi tiết hơn về các loại BĐS đưa vào kinh doanh so với Luật kinh doanh BĐS hiện hành. Việc này giúp làm rõ quy định và dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, tránh sự chồng chéo, giao thoa của hệ thống pháp luật.
Riêng đối với hoạt động giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất phải thực hiện qua các sàn giao dịch BĐS theo 2 phương án.
Phương án 1: Chủ đầu tư dự án BĐS khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch môi giới BĐS;
Phương án 2: Các BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định tại luật này mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS.
Trao đổi, thảo luận tại phiên họp, đại diện các địa phương và các Bộ, ngành liên quan đã đưa ra các ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ nhất, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất có giá trị, chi tiết, cụ thể từ các địa phương và Bộ, ngành liên quan cho Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
“Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ triển khai chủ trì tổ chức 3 Hội thảo tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam có sự tham gia của đại điện các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia tiếp tục đóng góp cho Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Đồng thời, làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về 2 Dự án Luật này” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo luật, nhằm bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, tạo sự đồng thuận cao. Qua đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS với các luật khác có liên quan.
Theo kế hoạch, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2023, thông qua vào tháng 10/2023 và còn Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 10/2022, thông qua vào tháng 5/2023. Cả hai Luật này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.