
Theo Tờ trình, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công tại Văn bản 11376/2024; Bộ Chính trị đã trình và được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 55/2024; Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 172/2024, hình thức đầu tư công, trên cơ sở đó, Chính phủ đã khẩn trương triển khai thực hiện.
Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 106/2025 để triển khai Nghị quyết 172/2024 của Quốc hội; triển khai các công việc để bảo đảm sớm khởi công dự án như: Phối hợp với các địa phương để triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng; triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn quản lý dự án; rà soát, biên dịch 31 bộ tiêu chuẩn; làm việc với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kêu gọi tham gia thực hiện dự án; xây dựng và ban hành các Nghị định của Chính phủ; xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt và đề án phát triển công nghiệp đường sắt.
Sau khi Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội ban hành một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đã nhận được đề xuất đầu tư dự án của một số nhà đầu tư với một số nội dung đề xuất chính như sau: Đầu tư theo hình thức đầu tư tư nhân (theo Luật Đầu tư); tiến độ nhanh hơn tiến độ đã được phê duyệt tại Nghị quyết 172/2024 của Quốc hội; sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư;…
Về sự cần thiết nghiên cứu bổ sung hình thức đầu tư, tại thời điểm trình Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công chưa có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư tuyến đường sắt này.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, đã có một số nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư tư nhân (đầu tư trực tiếp); đối chiếu với kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản 11376/2024, Nghị quyyết 172/2024 của Quốc hội chưa có hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư tư nhân trực tiếp hoặc hình thức đầu tư khác.
Đối với hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư tư nhân trực tiếp, đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Cụ thể, về cơ sở chính trị, Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị xác định “Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia,… các dự án quan trọng quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị,…”
Tại cuộc họp ngày 20/6 vừa qua, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương bổ sung hình thức đầu tư khác (đầu tư theo phương thức PPP, đầu tư kinh doanh,…) bên cạnh hình thức đầu tư công, đồng thời giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Đảng ủy Quốc hội trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 9 xem xét, quyết định.
Về cơ sở pháp lý, Điều 16 Luật Đầu tư quy định “kết cấu hạ tầng là lĩnh vực được ưu đãi khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi theo Điều 15”. Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định, lĩnh vực giao thông vận tải được đầu tư theo hình thức này.
Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội quy định “Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư,…”
Về cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các nước đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt theo hình thức đầu tư công, Bởi, các dự án đường sắt mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhưng hiệu quả tài chính của bản thân dự án thấp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài. Một số dự án đầu tư theo phương thức PPP đã bước đầu được triển khai nhưng cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
Theo khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư công, việc bổ sung hình thức đầu tư không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, đây là nội dung khác với Nghị quyết 172/2024 của Quốc hội nên Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận.
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội; kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản 15545/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Nghị quyết của kỳ hợp với nội dung điều chỉnh Nghị quyết 172/2024, gồm 3 nội dung.
Trước hết là đưa nội dung chấp thuận bổ sung hình thức đầu tư khác (đầu tư PPP, đầu tư kinh doanh,…) cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bên cạnh hình thức đầu tư công vào Nghị quyết của kỳ họp.
Cùng với đó là nội dung giao Chính phủ tổ chức lựa chọn hình thức đầu tư, nhà đầu tư theo quy định. Đồng thời, bổ sung nội dung về trường hợp có cơ chế, chính sách khác vượt thẩm quyền, báo cáo Quốc hội.