Lý do khiến căn hộ, đất nền tại TP.HCM và vùng phụ cận tiếp tục gặp khó

14:17 11/04/2023
Theo DKRA, quý I/2023, phân khúc căn hộ và đất nền tại TP.HCM và vùng phụ cận tiếp tục sụt giảm nguồn cung. Trong khi đó, sức cầu chung của thị trường ở mức thấp, bằng 6% so với quý I/2022.

Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA) vừa có báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM và vùng phụ cận, theo đó, nguồn cung mới trong quý I/2023 sụt giảm 79% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, Long An và Bình Dương là 2 tỉnh chủ lực có sản phẩm mới với tỷ lệ lần lượt là 48,3% và 34,8%.

Trong khi đó, tại thị trường TP.HCM hiếm hoi xuất hiện nguồn cung mới sau thời gian dài vắng bóng dự án, đóng góp 13,8% vào tổng cung thị trường. Theo đánh giá của DKRA, sức cầu chung của thị trường ở mức thấp, bằng 6% so với quý I/2022, trong đó 74,4% lượng tiêu thụ tập trung tại Đồng Nai và Long An.

Ở phân khúc này, mặt bằng giá bán mới trong quý có mức tăng trung bình 5% - 7% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, mức tăng tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.

Mặt bằng giá thứ cấp quý I/2023, ghi nhận mức giảm trung bình 10% so với quý I/2022, đồng thời giao dịch giảm biên độ lợi nhuận tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy ngân hàng.

Ảnh minh họa: Internet.

DKRA nhận định, với tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lãi suất vay ở mức cao cùng những vướng mắc pháp lý đang được tháo gỡ, thị trường sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.

Đối với phân khúc căn hộ, báo cáo của DKRA chỉ rõ, nguồn cung mới tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý I/2023 ghi nhận giảm 67% so với quý trước và 59% so với cùng kỳ quý I/2022. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu thị trường, chiếm 80,1% nguồn cung mở bán mới trong quý.

Đặc biệt, phân khúc căn hộ hạng B vươn lên dẫn đầu, chiếm 56,2% tổng nguồn cung mới toàn thị trường, tập trung chủ yếu tại khu Bắc TP.HCM. Số liệu của DKRA công bố cũng cho thấy, sức cầu chung toàn thị trường sụt giảm đáng kể so với cuối năm 2022. Theo đó, tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động phổ biến từ 19% - 38% giỏ hàng mở bán.

Bên cạnh việc mạnh tay chiết khấu cho phương thức thanh toán nhanh, các chủ đầu tư còn có xu hướng kéo giãn lịch thanh toán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn chung.

DKRA cho rằng, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến dộng trong khi giá và thanh khoản thứ cấp sụt giảm, giá bán thứ cấp ghi nhận giảm 1% - 6% so với cuối năm 2022.

Cá biệt ở những dự án gần nhận nhà, hết thời gian ân hạn gốc, lãi vay, người bán có xu hướng tăng mạnh mức chiết khấu để nhanh chóng bán được hàng, tránh phát sinh lãi ngân hàng.

Dự báo thị trường về phân khúc đất nền và căn hộ TP.HCM và cùng phụ cận trong quý II/2023, DKRA cho biết, trong quý tiếp theo nguồn cung sẽ tăng nhẹ so với quý I/2023, tuy nhiên chỉ dao động ở mức trung bình khoảng 450 - 600 nền.

Nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng ven như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, các khu vực còn lại tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung mới.

Sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức thấp, chưa có những đột biến trong ngắn hạn khi giá BĐS vẫn neo ở mức cao, lãi suất vay mua BĐS chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thị trường giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang nhằm thu hút khách hàng và kích cầu thị trường. Thanh khoản thị trường thứ cấp vẫn ở mức trung bình thấp khi các nhà đầu tư vẫn chờ “bắt đáy” BĐS. 

Đối với phân khúc căn hộ, DKRA dự báo, quý II/2023, thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, TP.HCM có thể sẽ tăng gấp đôi so với quý I/2023, ở mức khoảng 2.000 - 2.500 căn, trong khi Bình Dương dao động khoảng 500 - 1.000 căn, Long An khoảng 200 căn và Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng 350 căn hộ mở bán mới.

“Thanh khoản thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp hồi phục, tuy nhiên sẽ khó đột biến trong ngắn hạn. Căn hộ hạng A tiếp tục giữ vững vị thế chủ đạo tại TP.HCM trong khi phân khúc căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới các tỉnh giáp ranh. Nguồn cung căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền có thể sẽ tăng nhờ sự tham gia của nhiều chủ đầu tư lớn..." - Báo cáo của DKRA nhấn mạnh.

 

Bình luận