Nhà ở công nhân - Thực trạng và suy nghĩ

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân làm việc tại các KCN, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

1. Đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã được hơn 2 năm, kể từ khi virus SARS-CoVi-2 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019, rồi nhanh chóng lây lan trên phạm vi toàn cầu, không chỉ gây thiệt hại to lớn về người mà còn tác động vô cùng xấu đến nền kinh tế của mỗi quốc gia và cả thế giới.

Đại dịch Covid-19 như cơn cuồng phong làm đảo lộn mọi trật tự có tính “truyền thống” của các nhà quản trị quốc gia, phơi bày những yếu kém của đô thị hóa thiếu kiểm soát, trong đó có phát triển đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn; làm đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ y tế - xã hội, hệ thống phúc lợi của nhà nước vốn yếu kém và bất bình đẳng tại nhiều quốc gia nhất là các nước nghèo, chậm phát triển và đang phát triển, thậm chí ở cả một số nước phát triển châu Âu và Bắc Mỹ.

Việt Nam cũng đã trải qua 2 năm chống chịu đại dịch Covid-19, mà đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ tháng 5/2021 kéo dài đến cuối năm và đỉnh điểm của trận cuồng phong mang tên Covid-19 từ tháng 6 đến hết tháng 9/2021, với tâm bão ở phía Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và ở phía Nam là TP.HCM, Bình Dương, Long An…

Những ngày giãn cách xã hội căng thẳng đó, cả nước đã đồng lòng cùng Chính phủ đoàn kết, sẻ chia vượt qua mọi khó khăn trong phòng chống Covid-19 để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, về kinh tế do đại dịch gây ra.

Bên cạnh những thành quả phòng chống dịch đã đạt được, thì đại dịch Covid-19 cũng đã làm lộ ra những khoảng trống vắng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, vì lý do nào đấy chưa được lấp đầy, bị thiếu (hay bị lãng quên), mà rõ nhất là sự bất hợp lý trong cấu trúc quy hoạch đô thị, trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay.

Vào những ngày cuối năm này, chúng ta vẫn không khỏi ám ảnh và xót xa mỗi khi nhớ đến những thông báo thường ngày đầy bi thương trên thông tin đại chúng và trên app khi ấy, như ngày… tại TP.HCM đã có… người chết vì Covd-19…; rồi hình ảnh hàng chục nghìn công nhân và gia đình họ trong đó có rất nhiều phụ nữ ốm đau, trẻ nhỏ vất vả, bìu ríu nhau trên các phương tiện nghèo nàn, cũ kỹ như xe máy, xe đạp kể cả đi bộ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ki-lô-mét trong đêm khuya mưa gió tầm tã, hay dưới cái nắng ban ngày gay gắt… để “về quê”, vì không chịu nổi sự cùng cực khó khăn bởi cuộc sống, không việc làm, không tiền thuê nhà trọ… trong các KCN “đóng cửa”, hay các khu nhà trọ tồi tàn, thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật - xã hội tại các ngõ, hẻm chật hẹp, ngoằn ngèo ở thành phố hoa lệ bậc nhất nước do đại dịch gây ra.

Và khi ấy, chắc hẳn trong chúng ta không thể không suy nghĩ với những day dứt: khủng hoảng do đại dịch gây ra sẽ được hạn chế rất nhiều, nếu như những bất cập và tồn tại trong chính sách phát triển KCN liên quan đến đời sống công nhân sớm được giải quyết; nếu như sự phát triển giữa công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và chất lượng sống cho người dân được quan tâm hơn; nếu như cấu trúc đô thị của chúng ta hợp lý hơn, các khu vực ngõ, hẻm chật hẹp đông dân cư thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kia được đầu tư cải tạo, chỉnh trang để những con ngõ, hẻm được mở rộng 4 m đảm bảo cho xe cứu thương, xe cứu hỏa khi cần thiết; nếu như những khu nhà ở tồi tàn, xuống cấp kia sớm được quy hoạch cải tạo hay xây dựng mới; nếu như tại các KCN có nhiều khu nhà ở cho công nhân.v.v và v.v…

Có phải vì thế không mà những tháng cuối năm 2021 này, câu chuyện nhà ở cho công nhân, người lao động các KCN một lần nữa được Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận lại một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, trách nhiệm hơn, toàn diện hơn và quyết liệt hơn!

2. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đất nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, thì chế độ bao cấp về nhà ở bị xóa sổ.

Nhưng nhà ở cho công nhân các KCN và nhà ở xã hội vẫn được Nhà nước quan tâm, thể hiện rõ tại nhiều văn bản pháp luật, như Luật Nhà ở 2005, Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi thay thế 2005); Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định 49/2021/ NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP)…

Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế đời sống bao giờ cũng có khoảng cách (?!). Theo pháp luật hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân vẫn lồng ghép trong chính sách phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau về nhu cầu sử dụng cũng như về lối sống, về văn hóa.

Nhà ở xã hội với mục tiêu cải thiện chỗ ở cho nhân dân, hướng đến đối tượng là những người có công với nước; các gia đình trẻ; những người thu nhập thấp ở đô thị (kể cả công chức, viên chức nhà nước). Còn nhà ở công nhân là hướng đến đối tượng là người lao động làm việc tại các KCN tập trung tại các tỉnh, đô thị lớn như ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh… Chính vì thế, mà Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu để sửa đổi Luật Nhà ở 2014.

Theo đó, chính sách nhà ở công nhân được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, khuyến khích nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Đây là sự cần thiết, thể hiện một tư duy mới trong phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động, những người đang ở “độ tuổi vàng”, làm việc cần mẫn tại các KCN vì sự phát triển của đất nước.

Nhà ở công nhân Đông Anh.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân làm việc tại các KCN, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mặc dù Nhà nước ta có hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN, nhưng vì nhiều lý do, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu.

Như Bắc Ninh, vốn được mệnh danh là thủ phủ FDI, nơi tập trung nhiều KCN tập trung, với số lượng hơn 152 nghìn công nhân, người lao động đang làm việc, trong đó có hơn 75 nghìn công nhân có nhu cầu thuê nhà để ở (chiếm khoảng 50%) đang đặt ra vấn đề bức thiết chỗ ở cho công nhân ở tỉnh này.

Trong khi đó hàng năm, số nhu cầu về lao động và nhu cầu về chỗ ở tại các KCN vẫn tăng từ 20 - 25%. Theo BQL các KCN Bắc Ninh, hiện đã có 6 dự án nhà ở công nhân được đầu tư xây dựng, trong đó 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các dự án hoàn thành cũng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 26,6 nghìn người, chiếm khoảng 35% số lao động có nhu cầu thuê nhà ở.

Như thế, hiện vẫn còn khoảng 65% công nhân phải thuê trọ trong các khu dân cư lân cận. Trong khi quỹ nhà ở đô thị gia tăng đáng kể, thì nhà ở dành cho người lao động tại các KCN tập trung lại rất hạn chế, và vì thế giải quyết vấn đề nhà ở cho đối tượng này ở Bắc Ninh ngày càng trở nên bức thiết.

Hay như Quảng Ninh, một địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và tăng trưởng kinh tế, trên địa bàn hiện có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thu hút khoảng 8 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh làm việc. Tuy nhiên, số lượng lao động được bố trí chỗ ở ổn định cũng mới khoảng trên 3 nghìn người, còn lại là phải thuê nhà trọ bên ngoài, hoặc ở nhờ nhà người quen.

Còn theo báo cáo tổng hợp gần đây của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thì đến nay cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 142 nghìn căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 (mặc dù giờ đã hết năm 2021?!).

Hiện đang tiếp tục triển khai 278 dự án với 276 nghìn căn hộ, tổng diện tích hơn 13,8 triệu m2. Trong đó, đã hoàn thành 116 dự án nhà ở dành cho công nhân các KCN, với quy mô 54 nghìn căn hộ, tổng diện tích khoảng 2,58 nghìn m2, đáp ứng chỗ ở cho 330 nghìn lao động (khoảng 40% nhu cầu). Đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô 134 nghìn căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 13,8 triệu m2. Riêng năm 2021, chưa có một dự án nhà ở công nhân nào được hoàn thành, bàn giao, sử dụng.

Cũng theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2025 vào khoảng 294,6 nghìn căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho công nhân KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134 nghìn căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, qua các số liệu thống kê chưa đầy đủ nói trên, ta có thể hình dung ra toàn cảnh bức tranh về nhà ở công nhân các KCN trên cả nước không mấy sáng sủa, cho dù đã được Nhà nước quan tâm. Tại sao vậy, qua các nghiên cứu, có thể thấy một số nguyên nhân:

Thứ nhất, nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển các KCN chưa tính đến một cách đầy đủ, khoa học nhu cầu ở của công nhân, người lao động đến làm việc, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm khoảng 50 %). Những địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, thì số lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Tại các KCN, hiện mới có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ rải rác ở bên ngoài với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn, thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu và không an toàn.

Thứ hai, hầu hết các KCN nằm ở ven đô, xa trung tâm đô thị, nên hệ thống nhà ở công nhân đã thiếu lại không được gắn kết với tiện ích đô thị và hạ tầng xã hội. Việc quy hoạch, lựa chọn địa điểm, vị trí xây dựng các khu nhà ở công nhân không thuận lợi, thiết kế kiến trúc nhà ở công nhân thì đơn điệu, không phù hợp với sinh hoạt và lối sống của công nhân nhập cư… Vì thế, các dự án nhà ở công nhân không hấp dẫn sự quan tâm của các nhà đầu tư kinh doanh BĐS.

Thứ ba, cần xem lại quy định sử dụng quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân một cách thực tế. Tránh tình trạng nơi triển khai, nơi không, mặc dù đây là yếu tố bắt buộc trong lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng các KCN. Vị trí, diện tích đất để xây dựng nhà ở công nhân phải đảm bảo sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thứ tư, các dịch vụ cho người lao động phải được đảm bảo, như phúc lợi xã hội, nhà ở, đào tạo nghề, các hoạt động vui chơi giải trí, trường mẫu giáo, nhà trẻ cho con em công nhân, tôn trọng quyền riêng tư của công nhân khi sống trong khu nhà ở.

Thứ năm, xây dựng quy hoạch KCN phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một đề án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện. Trong quy hoạch KCN phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê - mua, bảo đảm đáp ứng tối thiểu 70% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thứ sáu, cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, về vốn đầu tư, về quy hoạch, về phát triển hạ tầng đồng bộ..., tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở cho công nhân thuê - mua với giá phù hợp với khả năng thu nhập hàng tháng. Nhà nước cũng cần xem xét việc hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp nước sạch và tiêu thải nước mưa, nước sinh hoạt… để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân, hay hộ gia đình gần KCN xây dựng, cải tạo nhà trọ cho công nhân thuê đảm bảo về vệ sinh môi trường, về quy định phòng chống cháy nổ và an toàn cho công nhân khi sống trong các nhà trọ.

Thứ bảy, xây dựng nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương và của cả nước, vì thế vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất quan trọng. Tổ chức Công đoàn tại các KCN phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống và văn hóa, văn minh công nghiệp cho công nhân, người lao động, để người lao động vốn ra đi từ nông thôn (quen với lối sống tùy tiện, dễ dãi ở làng) dần thay đổi và thích nghi với môi trường lao động công nghiệp, hiện đại. Các kiến trúc sư cần quan tâm đầu tư nghiên cứu để tìm ra những mẫu nhà ở hợp lý, kinh tế và bền vững, đáp ứng yêu cầu và điều kiện sống, lối sống của công nhân các KCN.

3. Những ngày cuối năm cũ, giáp năm mới 2022, tôi lại ghé về khu nhà ở tập thể của công nhân Nhà máy Dệt 8/3 bên dòng sông Kim Ngưu, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, qua con phố không lớn nhưng khang trang có tên 8/3. Có lẽ đây là phố duy nhất ở Hà Nội mang tên một nhà máy và cũng là tên gọi của một khu tập thể công nhân (?!).

Nhìn những tòa nhà 5 tầng xây dựng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước được Nhà nước đầu tư xây dựng và phân phối cho các gia đình công nhân của Nhà máy dệt, giờ đang xuống cấp, tường gạch nứt nẻ, rêu phong loang lổ trên các bức tường vôi vàng bạc phếch mốc meo theo thời gian, tôi bồi hồi nhớ về một thời “đạn bom”, một thời “bao cấp” đầy khó khăn vất vả mà các thế hệ công nhân Nhà máy Dệt 8/3 Anh hùng đã vượt qua. Giờ đây, hầu hết những người công nhân dệt thời ấy vẫn đang sống cùng con cháu trong các căn hộ chật hẹp, thiếu tiện nghi và mất an toàn xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ giữa lòng một Hà Nội văn minh, hiện đại, nhìn mà không khỏi xót xa!
Chúng ta đang bước vào thời kỳ của công nghệ số, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Các khu nhà ở công nhân của ngày hôm nay sẽ khác xa các nhà ở tập thể công nhân ngày trước. Hiện đại hơn, tiện nghi hơn, đẹp hơn, bền vững hơn. Đó là hình ảnh của Đổi mới, của sự phát triển đi lên của một Việt Nam đang phát triển, hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

KCN thời 4.0 với các khu nhà ở công nhân thế hệ mới phải được xây dựng đồng bộ, bởi đó không chỉ là nơi để ngủ, mà là nơi chốn yêu thương của người lao động sau giờ làm việc, họ trở về sống bình yên, nghỉ ngơi và giải trí, hồi phục sức khỏe để tiếp tục cho một ngày lao động mới.

Và khi đó, các KCN và khu nhà ở công nhân sẽ trở thành một tổng thể hữu cơ gắn bó chặt chẽ trong một cấu trúc đô thị thông minh và phát triển bền vững trong thời kỳ công nghệ số của Đất nước.
 

Bình luận