Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đã ước tính tổng giá trị xây lắp của dự án lên tới trên 33 tỷ USD. Theo ông, “đây không phải là một dự án quá phức tạp về công nghệ, nhưng việc thiết kế với vận tốc lên tới 350 km/h đòi hỏi độ chính xác cực kỳ cao. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu trong nước cần phải tiếp tục học hỏi và nắm bắt các công nghệ tiên tiến nhất”.
Một trong những doanh nghiệp có tư cách ứng viên nặng ký nhất có thể kể đến Tập đoàn Hòa Phát, không chỉ về năng lực sản xuất khối lượng sản phẩm thép chất lượng cao mà còn có tính vượt trội về công nghệ tiên tiến. Thông tin từ Hòa Phát cho hay, từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao. Bên cạnh đó, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của Tập đoàn.
Một ứng viên nặng ký nữa là Tập đoàn FECON. Theo ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT FECON, đường sắt là hạ tầng có yêu cầu cao về tính chính xác và độ ổn định, không cho phép hiện tượng lún sau khi thi công, do đó đòi hỏi công nghệ xử lý nền móng tiên tiến. Hiện nay, FECON sở hữu công nghệ xử lý nền móng và công trình ngầm hàng đầu thế giới, giúp doanh nghiệp tự tin tham gia các công đoạn như thi công cọc móng, tường chắn, cầu cạn, và giải pháp đào đường ngầm qua núi.
FECON cũng cho rằng nội địa hóa là hướng đi phù hợp để giảm chi phí và tối ưu nguồn lực trong nước. Mức độ nội địa hóa của các dự án đường sắt đô thị hiện tại là khoảng 30%, nhưng FECON kỳ vọng con số này sẽ được nâng lên trên 70% tại các dự án trong tương lai. Việc nội địa hóa không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn thúc đẩy GDP và giữ lại nguồn thu cho nền kinh tế nội địa…
Chỉ kể sơ qua như thế để thấy rằng, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang đem lại cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội lớn, không chỉ về hiệu quả kinh tế kỳ vọng mà còn là một lần hiếm hoi được thể hiện sức vóc và năng lực của mình trước những thách thức ở tầm quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, mọi sự đều không hề dễ dàng, như lời khuyên của ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Để cạnh tranh trong các dự án lớn, doanh nghiệp Việt cần tích cực hợp tác, đầu tư vào công nghệ tiên tiến và nâng cao khả năng cạnh tranh. Nếu không, chúng ta sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà”.